Xã hội
Điện Biên tích cực thực hiện Đề án 06 nhằm nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội
06:19 PM 24/05/2024
(LĐXH)-Công tác chuyển đổi số và Đề án 06 đã góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên (với tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì đạt khoảng 7,1%), đưa Điện Biên vào nhóm tỉnh có tốc độ phát triển khá trong các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc (đứng thứ 4/14 tỉnh trong vùng) và đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cán bộ phường Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ) tuyên truyền nội dung chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), tỉnh Điện Biên đã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt thực hiện các giải pháp với quyết tâm hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 
Qua 2 năm triển khai Đề án 06, tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, hoàn thành 100% thu thập, cập nhật, làm sạch dữ liệu dân cư; là một trong 19 đơn vị đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu cấp 100% căn cước công dân (hoàn thành trước kế hoạch 64 ngày).
Điện Biên cũng là một trong 29 đơn vị đầu tiên hoàn thành 100% chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử (vượt kế hoạch 89 ngày); hoàn thành 100% cập nhật dữ liệu các hội vào hệ thống; số hóa dữ liệu hộ tịch, bảo hiểm xã hội... đạt 100% và được Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá cao.
Những kết quả trong thực hiện Đề án 06 nói trên là có sự đóng góp tích cực của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội. 
Năm 2023 tỉnh Điện Biên đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm là "tạo lập và khai thác hiệu quả dữ liệu" từ đó chủ động xây dựng, hoàn thiện và "làm giàu" các cơ sở dữ liệu. Đồng thời đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu và mở dữ liệu để tạo ra giá trị mới.
Đối với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, từ ngày 16/03/2023 - 15/4/2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận tổng số 136 hồ sơ đề nghị giải quyết về trợ cấp thất nghiệp, trong đó, 06 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, 130 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, không có hồ sơ được tiếp nhận trực tiếp. Kết quả: Có 23 hồ sơ đã được giải quyết, 113 hồ sơ đang được giải quyết trong hạn theo quy định.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng tích cực hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Cụ thể, về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu trẻ em, tính đến ngày 14/4/2024, có 201.512/216.091 trẻ được nhập liệu (đạt 93,3%), trong đó có hơn 400 trẻ được thêm mới. Tại thời điểm cuối tháng 4/2024, tỉnh có 196.416/216.091 trẻ em được bổ sung mã số định danh điện tử (đạt 90,9%). Từ ngày 16/02 đến cuối tháng 4/2024, có hơn 200 dữ liệu trẻ em được làm sạch.
Về cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo thực hiện cập nhật và chuẩn hóa dữ liệu cho 35.509/35.529 (đạt 99,9%) đối tượng BTXH vào phần mềm và chuẩn hóa dữ liệu theo Đề án 06.
Về cập nhật dữ liệu thực hiện Đề án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu người có công với cách mạng, tính đến ngày 10/4/2024, Sở Lao động - Thương binh và  Xã hội đã chỉ đạo thực hiện đối chiếu làm sạch dữ liệu của 1.024 người có công và thân nhân người có công hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng trên địa bàn tỉnh.
Về thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động, tính đến tháng 4/2024, đã thu thập, cập nhật thông tin của 391.500 người lao động; trong đó, đã cập nhập thông tin của trên 391.411 người lao động vào phần mềm trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đạt 99,9%).
Thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và người có công với cách mạng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thường xuyên chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện công tác làm sạch dữ liệu, đảm bảo đồng nhất thông tin đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng với dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” và phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị cung ứng dịch vụ kịp thời giải quyết tháo gỡ điểm nghẽn trong việc cấp tài khoản cho đối tượng; đẩy mạnh việc cấp và chi trả qua tài khoản trong thực hiện Mô hình 4 An sinh xã hội về việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt (tại Quyết định số 609/QĐ-UBND ngày 10/4/2023 của UBND tỉnh); Tiếp tục thực hiện bước 1, 2 của Mô hình bổ sung theo Quyết định số 1827/QĐ-UBND ngày 10/11/2023 về việc phê duyệt bổ sung mô hình điểm về bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Đến 10/4/2024, toàn tỉnh Điện Biên đã thu thập thông tin, cấp tài khoản cho 26.803/35.527 đối tượng, đạt 75,4%; đã tiến hành chi trả qua tài khoản cho 22.666/35.527 đối tượng, đạt 63,8%. Tổng số tiền đã thực hiện chi trả qua tài khoản là: 82,83 tỷ đồng, trong đó: số tiền chi trả cho đối tượng bảo trợ xã hội là 65,77 tỷ đồng; số tiền chi trả cho đối tượng người có công là 17,06 tỷ đồng.
Thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết quả thực hiện Đề án 06 dưới nhiều hình thức cho người dân, doanh nghiệp, công chức, người lao động. Tăng cường chỉ đạo các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, thu thập, cập nhật, làm sạch các dữ liệu an sinh xã hội đảm bảo thông tin theo hướng dẫn. Tiếp tục tham mưu việc thực hiện tổ chức chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt trong thực hiện chính sách an sinh xã hội đảm bảo hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân./.
Mỹ Hằng