Diễn đàn bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế
(LĐXH) Ngày 20/9/2019, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội thảo giáo dục 2019 với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” nhằm đem đến cái nhìn toàn diện về giáo dục nghề nghiệp, từ đó để xuất các giải pháp để phát triển lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
Sáng ngày 4/9/2019, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về Hội thảo giáo dục 2019 với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”.
Hội thảo dự kiến tổ chức vào ngày 20/9 tới tại Hà Nội với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các bộ ngành liên quan, một số đại biểu quốc hội; đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, phụ huynh, học viên học nghề…
Ông Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội – cho biết: Những năm qua, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước hội nhập tích cực, toàn diện với thế giới.
Tuy nhiên, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học – công nghệ và tri thức nhân loại, trước yêu cầu của việc hội nhập sâu rộng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, công tác giáo dục nghề nghiệp nước ta đang đứng trước yêu cầu phải hoàn thiện, đổi mới từ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đến năng lực, hiệu quả đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người học, thị trường lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là những đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
phát biểu tại cuộc họp báo
Hội thảo giáo dục 2019 mong muốn đem đến cái nhìn rõ hơn, toàn diện hơn về thực trạng giáo dục nghề nghiệp, từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.
Cũng theo ông Phạm Tất Thắng, Hội thảo này có thể coi như một diễn đàn để những người cùng quan tâm đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nghe được tiếng nói của nhau và cùng trao đổi về các nội dung liên quan đến lĩnh vực này. Đây cũng là một trong những hoạt động giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, qua Hội thảo, Ủy ban sẽ nắm bắt thêm nhiều thông tin, nhiều ý kiến để báo cáo với Quốc hội và cử tri cả nước về giáo dục nghề nghiệp. Thông qua Hội thảo Giáo dục 2019, Ban tổ chức hi vọng rằng: Sẽ được lắng nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức, Bộ ban ngành, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp…góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh mối liên kết giữa giáo dục nghề nghiệp với nhà trường, doanh nghiệp.
Hội thảo sẽ được tổ chức theo hình thức tương tác giữa các diễn giả và đại biểu tham dự với hai phiên chính: Phiên chung và phiên chuyên đề. Phiên chung bao gồm: Báo cáo đề dẫn về khuynh hướng của giáo dục nghề nghiệp trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam; báo cáo về thực trạng, định hướng phát triển của giáo dục nghề nghiệp; phóng sự truyền hình về thực trạng chất lượng và chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp từ góc nhìn của chuyên gia và xã hội. Phiên chuyên đề gồm: Thể chế giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đến nay, Ban tổ chức Hội thảo giáo dục 2019 đã nhận được gần 60 tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Các tham luận bám sát và đề cập đến nhiều góc độ khác nhau, xoay quanh 3 nội dung trọng tâm của hội thảo: Thể chế giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí, ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân tích:
“Hiện nay, chất lượng và số lượng nhân lực đào tạo từ giáo dục nghề nghiệp chiếm tới 70% trong tổng số nhân lực của Việt Nam. Nếu chúng ta không phát triển và nâng cao trình độ của giáo dục nghề nghiệp rất dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Chính vì vậy, nhiệm vụ của giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn này là làm thế nào để đột phá và có những bước tiến mới.
Trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số hạn chế, tồn tại, nhiều vấn đề quan trọng rất cần có ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp... như cơ chế tự chủ trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Gắn đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp; Cơ chế đầu tư máy móc, trang thiết bị trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Về chuyển giao và triển khai đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế... Bởi vậy, thông qua buổi hội thảo tới đây chúng tôi kỳ vọng sẽ được nghe nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các bên nhằm hướng tới mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới”.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06
-
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
08-11-2024 12:50 35
-
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
08-11-2024 10:45 47