Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết: TP.HCM là nơi tập trung nhiều nhất lực lượng lao động di cư từ khắp các vùng miền của cả nước. Lao động di cư không chỉ góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế mà còn tạo nên sự đa dạng về văn hóa và xã hội của thành phố.
Mặc dù có vai trò quan trọng, lao động di cư tại TP.HCM lại đối diện với nhiều thách thức. Các vấn đề nổi bật là điều kiện sống và làm việc chưa ổn định, thiếu thụ hưởng an sinh xã hội… "Lao động di cư thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở giá rẻ, dịch vụ y tế và giáo dục. Điều này đặc biệt phổ biến trong khu vực phi chính thức, nơi lao động thường không có hợp đồng lao động và không được bảo vệ bởi các chính sách an sinh xã hội", ông Bình An nói. Đồng thời ông cho biết, hiện một tỉ lệ lớn lao động di cư chưa được bao phủ bởi bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Đây là rào cản lớn trong việc đảm bảo an sinh và sự phát triển bền vững của lực lượng lao động này.
Tham gia thảo luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hoài Hương, chủ nhiệm Đề tài Nghiên cứu lao động di cư trong nước đến TP.HCM cho biết, đầu năm 2024, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 1.200 người lao động tại địa bàn thành phố.
Kết quả phân tích số liệu cho thấy bức tranh lao động di cư tại TP.HCM có nhiều điểm tích cực như: Tỉ lệ di cư có trình độ học vấn cao hơn, giảm dần lao động ở các ngành thâm dụng lao động, nhiều người nhận định có cuộc sống khá hơn, thu nhập bình quân có xu hướng tăng, tỉ lệ chi tiêu tiền gửi về quê có xu hướng gia tăng…
Các đại biểu thao gia ý kiến tại hội thảo
Số lượng lao động di cư đến thành phố những năm gần đây có giảm nhưng tỉ lệ lao động di cư có trình độ cao tăng lên. Điều đó cho thấy có sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, họ đóng góp cho nền kinh tế TP.HCM nhiều hơn.
TS. Nguyễn Thị Hoài Hương cho biết thêm: Dịch Covid-19 và quá trình phục hồi, phát triển kinh tế giai đoạn 2019-2022 tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành, lĩnh vực kinh tế có lao động di cư tham gia. Kết quả khảo sát cho thấy, năm 2021 có 53,9% làm ở khu vực doanh nghiệp tư nhân, năm 2024 giảm còn 42,4%; năm 2021 có 16,2% lao động tự do thì năm 2024 tăng lên thành 27,2%.
Tham gia ý kiến Ths. Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội HIDS đề nghị nghiên cứu sâu hơn về dịch Covid-19 ảnh hưởng đến người lao động. “Đời sống thực tế của người di cư đến thành phố này như thế nào? Chúng ta nói tốt nhưng thực tế xảy ra vấn đề như Covid-19 thì họ không chống chọi nổi, chỉ vài tháng là họ phải rời bỏ thành phố”, ông Thành nhấn mạnh.
TS. Dư Phước Tân, thành viên nhóm nghiên cứu phát biểu, kết quả phân tích số liệu cho thấy mức sinh thấp của TPHCM được bù đắp nhờ dòng người di cư. Vai trò lao động di cư thể hiện chiếm tỉ lệ cao trong lực lượng lao động tại TPHCM. Nếu như năm 2000, tỉ suất sinh là 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; đến năm 2022, con số này chỉ còn 1,39. Hiện mức sinh thấp ở thành phố bước đầu được bù đắp nhờ lao động di cư. Nếu không có chính sách thu hút lực lượng này sẽ ảnh hưởng đến nguồn lao động cho kế hoạch phát triển kinh tế thành phố.
Ông Nguyễn Như Khánh, Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển cho rằng, theo lý thuyết phát triển các đô thị lớn, thu hút lao động chất lượng cao mới là xu hướng để phát triển thành phố bền vững. Với lao động phổ thông, khi thành phố phát triển đến mức độ nào đó thì thu nhập của họ không đáp ứng được, họ sẽ tự di chuyển, rời khỏi vùng trung tâm. Đồng thời, ông cho rằng: “Càng tạo điều kiện thu hút lao động thì dân số sẽ càng tăng cao, dẫn đến việc quá sức chịu đựng của thành phố và ảnh hưởng đến chất lượng an sinh xã hội. Do đó, các chính sách cần đánh mạnh vào việc thu hút lao động chất lượng cao, thay đổi mô hình kinh tế phù hợp xu thế phát triển”.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng HIDS lại cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng gia tăng từ các địa phương lân cận và các thành phố lớn, TP.HCM cần có chiến lược dài hạn để thu hút và giữ chân lao động di cư, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Trong đó, có chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di cư tham gia vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, cũng như đảm bảo cho họ một cuộc sống ổn định và an toàn tại thành phố./.
Trương Đăng
-
Thành phố Hà Giang tạo điều kiện tối đa để lao động hộ nghèo tiếp cận việc làm bền vững
24-12-2024 10:18 52
-
Đăk Tô tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
23-12-2024 22:21 59
-
TP.HCM: Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI
23-12-2024 22:20 38
-
Nam Định: Đảm bảo an toàn lao động để phát triển bền vững
10-12-2024 15:55 02
-
Thanh Hóa: Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
05-12-2024 16:54 04
-
AEON Việt Nam đẩy mạnh tuyển dụng và mở rộng quy mô năm 2025
20-12-2024 18:46 27