Tại ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7 (29/6), Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã quyết nghị điều chỉnh tăng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%); giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công với với mức chuẩn trợ cấp.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ LĐTB&XH xây dựng dự thảo Nghị định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng; dự thảo Nghị định về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, dự thảo Nghị định về mức chuẩn trợ giúp xã hội, trình Chính phủ ban hành để thực hiện từ ngày 1/7/2024 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
Tại Tờ trình số 30/TTr-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH gửi Chính phủ, đã nêu: 20 năm qua, với 15 lần điều chỉnh, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng luôn được quan tâm, điều chỉnh cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân. Gần đây nhất, năm 2023, mức trợ cấp ưu đãi người có công cũng được điều chỉnh tăng cao hơn lương cơ sở 5,7%. Cụ thể, lương cơ sở điều chỉnh lên 1.800.000 đồng (tăng 20,8%) thì mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công cũng điều chỉnh lên 2.055.000 đồng (tăng 26,5%).
Kết quả thống kê từ các địa phương cho thấy tỷ lệ giảm tự nhiên (chết do tuổi già, nhiều bệnh nền) của người có công với cách mạng tăng nhanh, nhất là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
“Với độ tuổi của người có công cao (khoảng từ 75 đến 95 tuổi) thì việc thực hiện các chính sách ưu đãi đặc biệt, nhất là điều chỉnh ngay mức trợ cấp ưu đãi hàng tháng ở mức cao nhất là rất cần thiết. Thực tế với tỷ lệ giảm tự nhiên nhanh thì trong giai đoạn 10 năm tiếp theo (2024 – 2034) có thể nói là “10 năm vàng” để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng”- Bộ LĐTB&XH cho biết.
Cùng với việc đề xuất phương án điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công lên 2.789.000 đồng (tương ứng với tỷ lệ tăng 35,7%) thực hiện từ ngày 1/7/2024, Bộ LĐTB&XH đưa ra nguyên tắc điều chỉnh mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Đó là giữ nguyên mối tương quan giữa các mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công hiện hành so với mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công theo số tiền tuyệt đối được điều chỉnh tăng bằng với tỷ lệ tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 35,7%.
Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hàng năm, một lần và mức chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tiếp tục gắn với mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng như quy định hiện hành.
Về thời điểm hưởng: Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi hàng tháng, hàng năm, một lần được thực hiện kể từ ngày 1/7/2024. Mức chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe được thực hiện kể từ ngày 1/1/2025.
Về thời điểm điều chỉnh mức hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, Bộ LĐTBXH lý giải, do quy định hiện hành danh sách người được điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà được lập trong quý I của năm và căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Sở LĐTBXH quyết định thời gian điều dưỡng cụ thể.
Cùng với đó, việc triển khai chế độ điều dưỡng được thực hiện xuyên suốt trong năm nên thời điểm hưởng chế độ của các đối tượng là khác nhau.
Nếu quy định thời gian hưởng chế độ điều dưỡng từ 1/7 thì chế độ điều dưỡng trong năm 2024 được thực hiện theo hai mức chuẩn: 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện theo mức chuẩn 2,055 triệu đồng; 6 tháng cuối năm 2024 thực hiện theo mức chuẩn 2,789 triệu đồng.
Như vậy, số tiền hưởng chế độ điều dưỡng của những đối tượng thuộc danh sách hưởng chế độ điều dưỡng 6 tháng đầu năm sẽ thấp hơn số tiền hưởng chế độ điều dưỡng của những đối tượng thuộc danh sách hưởng chế độ điều dưỡng 6 tháng cuối năm 2024.
Vì vậy, để đảm bảo các đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng trong năm 2024 được thực hiện thống nhất cùng một mức chi thì thời điểm điều chỉnh tăng mức chi chế độ điều dưỡng phải thực hiện từ đầu năm 2025.
Với việc Quốc hội quyết nghị điều chỉnh tăng 37,5% mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng thì mức trợ cấp hàng tháng của: Bà mẹ Việt Nam anh hùng là 8.367.000 đồng; bệnh binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 71% - 80% là 5.329.000 đồng; bệnh binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% - 90% là 6.378.000 đồng; người hoạt động kháng chiến có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% - 80% là 4.964.000 đồng; người hoạt động kháng chiến có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên là 6.359.000 đồng...
Những đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm: - Người có công với cách mạng, gồm có: + Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; + Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; + Liệt sĩ; + Bà mẹ Việt Nam anh hùng; + Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; + Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; + Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; người hưởng chính sách như thương binh; + Bệnh binh; + Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; + Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; + Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; + Người có công giúp đỡ cách mạng. - Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.
|
-
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
07-01-2025 15:07 35
-
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
07-01-2025 14:55 59
-
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
06-01-2025 20:34 23
-
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
05-01-2025 11:47 27
-
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
05-01-2025 09:50 37
-
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
04-01-2025 16:29 52