Định hướng và giải pháp trong công tác phân luồng cho giáo dục nghề nghiệp
(LĐXH) - Đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%...
Ngày 15/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522 phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Đề án nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
Quyết định này cũng chỉ rõ, các cấp, các ngành cần triển khai đồng bộ, có lộ trình cụ thể từ trung ương đến địa phương các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở theo hướng dẫn tăng nhanh tỷ lệ học sinh vào học ở các trường trung cấp... Đối với các tỉnh/thành phố phải chủ động điều tiết tỷ lệ phân luồng, phải có lộ trình, bước đi phù hợp nhưng phải quyết tâm hướng mục tiêu (đạt khoảng 30% vào năm 2020), xác lập tỷ lệ học sinh vào lớp 10 hợp lý. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề để người dân tộc thiểu số có thêm thông tin, tiếp cận và hiểu rõ chính sách học nghề tại chỗ đối với việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả và thu nhập, đồng thời báo cáo các cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung một số chính sách dạy nghề cho phù hợp với đặc thù về kinh tế - xã hội, tập quán sản xuất và trình độ của người dân tộc thiểu số. Quy định cụ thể về chính sách đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp công tác ở vùng chuyên biệt, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, vị trí kỹ năng nghề cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như đa dạng hóa các con đường hình thành năng lực nghề nghiệp sau THCS tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các em có thể học hết chương trình đào tạo trung cấp, thậm chí có thể học liên thông tiếp lên các trình độ cao hơn. Hoặc vì một lý do nào đó, các em muốn có thu nhập từ nghề đã được đào tạo hay tự tạo việc làm thì nhà trường có thể cấp giấy chứng nhận/chứng chỉ cung như tư vấn, giới thiệu việc làm cho các em. Tiếp đó, khi cá nhân có nhu cầu bổ sung, nâng cao kỹ năng nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp hoặc thị trường lao động thì những trường hợp đó vẫn có thể quay về trường để tiếp tục học tập. Chủ động tạo nhiều việc làm mới để thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào giáo dục nghề nghiệp; có sự phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng sau đào tạo để tránh học sinh ra trường không có việc làm gây lãng phí cho gia đình và xã hội.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phối hợp với các trường THCS tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu ngành, nghề đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở mình, của doanh nghiệp. Đa dạng hóa các hình thức và cách thức tổ chức lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán sinh sống và sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức rà soát, hoàn thiện danh mục nghề, chương trình đào tạo, định mức chi phí phù hợp đối với từng nghề để thu hút đồng bào đăng ký học nghề, nâng cao hiệu quả sản xuất tại địa phương. Phải làm cho học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội hiểu rõ phân luồng không phải là ép buộc những học sinh sau THCS yếu thế về lực học và hoàn cảnh kinh tế về phía những phương thức học tập bất lợi mà trái lại tạo ra phương thức phù hợp và cơ hội học tập có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng được học, nguyện vọng có nghề nghiệp của họ. Tổ chức các buổi hội thảo, mạn đàm với cha mẹ học sinh về việc học của con em mình, gặp gỡ các gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi được đào tạo từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để toàn xã hội giải tỏa được tâm lý khoa bảng, bằng cấp.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở GDNN có đầu tư thỏa đáng và có nhiều giải pháp phối hợp với các cơ quan truyền thông, website, mạng xã hội để tuyên truyền phục vụ cho công tác tuyển sinh và quảng bá về hình ảnh của nhà trường; Có chính sách để các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động phù hợp với trình độ và ngành, nghề đào tạo, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhân lực là học sinh đã qua đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (đầu vào là các em tốt nghiệp THCS). Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; triển khai kịp thời những cơ chế, chính sách đầu tư, thu hút và khuyến khích người dạy và học trong giáo dục nghề nghiệp; chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS. Nâng cao chất lượng giáo dục tư vấn hướng nghiệp trong các trường THCS; đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên môn thành những chuyên gia am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp, am hiểu về giáo dục nghề nghiệp, am hiểu về thị trường lao động, về thực tế sản xuất trong các doanh nghiệp làm công tác giáo dục tư vấn hướng nghiệp trong trường THCS, bố trí biên chế cho giáo viên này. Bố trí đủ kinh phí cho các trường THCS để triển khai tốt công tác giáo dục tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, giúp các em nắm bắt đầy đủ các thông tin về giáo dục nghề nghiệp, về thị trường lao động để các em tự xác định năng lực của bản thân và lựa chọn học nghề hoặc học tiếp lên THPT.
Để triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã đề xuất với Quốc hội bổ sung các quy định vào Luật Giáo dục sửa đổi, cụ thể về phân luồng là tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội; góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước. Về học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, được học kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sau khi đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu kiến thức văn hóa trung học phổ thông để đủ điều kiện học lên trình độ cao hơn.
Bên cạnh đó, cũng kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương quan tâm nâng cao năng lực của cơ quan/bộ phận quản lý nhà nước về GDNN về cả số lượng và chất lượng. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội có chỉ tiêu về GDNN, đặc biệt quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn. Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đã được phê duyệt, tuy nhiên cần rõ phương án tổ chức thực hiện và sự giám sát thường xuyên để đạt được các mục tiêu đặt ra. Về chính sách miễn, giảm học phí, cầnmở rộng đối tượng là người dân tộc thiểu số được miễn hoặc giảm học phí. Hay như chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên, nên chăng bổ sung đối tượng học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số (không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật) được hưởng chính sách này…
Đối với các địa phương, cần chủ động rà soát, sắp xếp cơ sở GDNN và tổ chức quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Lao động – thương binh và Xã hội. Ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý nhất là các cơ sở GDNN mới tiếp nhận và bàn giao sang ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Bố trí nguồn lực để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chủ động chỉ đạo việc thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tham gia đào tạo nghề nghiệp./.
Nguyễn Hữu Bắc
Từ khóa:
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06
-
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
08-11-2024 12:50 35
-
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
08-11-2024 10:45 47