Đổi thay của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Quảng Ninh qua một mô hình trợ giúp
(LĐXH) Kết quả hơn 3 năm triển khai thực hiện thí điểm mô hình 647 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho thấy đây là một hoạt động giàu tính nhân văn, có ý nghĩa thiết thực trong việc chăm sóc, trợ giúp những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phát triển các hình thức chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú, từ năm 2013 Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đã tích cực Thực hiện định Số 647/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Đề án 647).
Dựa trên báo cáo phân tích kết quả điều tra và biên bản họp xét duyệt của Ủy ban nhân dân các phường, từ năm 2013 đến 2015, mỗi năm Trung tâm lựa chọn 10 trẻ để giao cho các gia đình, cá nhân nhận nuôi tại 03 địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là thành phố Hạ Long (năm 2013), thành phố Cẩm Phả (năm 2014) và thị xã Quảng Yên (2015). Những gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải đảm bảo các điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Tự nguyện nhận chăm sóc trẻ; Có nơi ở ổn định và chỗ ở cho trẻ được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; Có điều kiện về kinh tế, sức khỏe, kinh nghiệm chăm sóc trẻ; Không phải là người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc bị kết án mà chưa được xóa án tích theo quy định của pháp luật.
Tổng kinh phí thực hiện mô hình 647 của tỉnh năm 2013 là 200 triệu đồng, năm 2014: 430 triệu đồng và năm 2015 là 500 triệu đồng.
Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
(Ảnh minh họa).
Cùng với đó, Trung tâm còn tổ chức nhiều hoạt động trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc trẻ cho trẻ và gia đình nhận nuôi. Trong 3 năm triển khai hoạt động của mô hình 647, cán bộ Trung tâm đã tiến hành trên 3 đợt khảo sát, phỏng vấn trẻ và gia đình trong mô hình thí điểm để thu thập thông tin, trên cơ sở đó tổng hợp, phân tích nội dung để tìm ra các vấn đề, kiến thức cần trang bị; tổ chức trên 30 buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ với các nội dung: dạy dỗ, chăm sóc trẻ tại gia đình; Tâm sinh lý lứa tuổi; sử dụng kinh phí để nuôi dạy trẻ.... cho 700 lượt cá nhân (đại diện gia đình nhận nuôi); tổ chức 18 buổi trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ như: Kỹ năng ứng phó với sự phân biệt, kỳ thị, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, xác định vị trí của bản thân đối với gia đình, xã hội; Kỹ năng giao tiếp, ứng xử.... cho 180 lượt trẻ em trong mô hình thí điểm. Hình thức tổ chức các lớp trang bị kiến thức, kỹ năng được áp dụng linh hoạt như: Thuyết trình, tọa đàm, trao đổi, phát tài liệu trực tiếp hoặc tổ chức các buổi giao lưu, dã ngoại... để đa dạng hóa cách thức tiếp cận kiến thức, giúp trẻ em và người nhận nuôi chủ động trong việc tiếp nhận thức và vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh, nhân viên công tác xã hội của Trung tâm đã phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi cư trú và các cơ quan, tổ chức, ban ngành khác để tìm thêm nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và gia đình nhận nuôi.
Nhờ đó chất lượng sống về mặt vật chất và tinh thần của trẻ em đang được nuôi dưỡng tại Mô hình thí điểm có sự chuyển biến một cách rõ rệt. Có thể kể tới một số trường hợp như cháu Nguyễn Thị Thanh Thủy đang được nuôi dưỡng tại nhà bà Lại Thị Coong, trú tại khu 3, phường Hà Trung, TP Hạ Long thường bị các bạn phân biệt, kỳ thị, hay trêu chọc là trẻ mồ côi, học kém, Trung tâm đã phối kết hợp với giáo viên chủ nhiệm, tổ dân, khu phố làm công tác tư tưởng, tác động đến bạn bè của cháu để giảm sự phân biệt, kỳ thị, đồng thời trang bị cho cháu kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó với sự phân biệt, kỳ thị để cháu hòa nhập cùng các bạn. Được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, cuộc sống của cháu Thủy đã có sự chuyển biến rõ rệt. Các bạn ở lớp và ở trường không còn phân biệt, kỳ thị và trêu chọc cháu. Cháu đã nhanh chóng hòa nhập cùng các bạn ở lớp, ở tổ dân phố, khu phố và những nơi công cộng khác.
Cháu Kiều Quang Hiệp hiện được giao cho bà nội Nguyễn Thị Sinh, trú tại khu 5, phường Hà Trung nuôi dưỡng. Vốn là một trẻ nhút nhát, tự ti, trước khi tham gia Mô hình thí điểm cháu luôn sống khép mình tại gia đình. Sau khi được tiếp cận các kiến thức, kỹ năng do nhân viên công tác xã hội cung cấp cháu đã mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Qua phản hồi từ cô giáo chủ nhiệm, cháu Hiệp đã mạnh dạn tham gia vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường, tham gia vào đội nghi thức và các hoạt động thể thao chung của toàn trường.
Ở cùng với bà Nguyễn Thị Tiến tại khu 1, phường Hà Khánh, TP Hạ Long từ nhỏ, cháu Nguyễn Văn Tuấn không có sự chăm sóc, quan tâm, dạy bảo của cha mẹ. Được bà làm hết mọi việc từ nhỏ nên đã 13 tuổi mà Tuấn không biết tự giặt quần áo, nấu cơm, thời gian rỗi của Tuấn dành cho việc đi chơi, đi đá bóng… Bà Tiến đã già, nghề nghiệp chính của bà là thu dọn rác tại chợ và đi nhặt phế liệu. Bà có rất ít kinh nghiệm nuôi dạy trẻ, đặc biệt là đối với lứa tuổi vị thành niên nên bà rất lo lắng rằng cháu mình sau này không học hành tử tế, và có nguy cơ hư hỏng. Được nhân viên công tác xã hội trang bị kiến thức, bà Tiến đã hiểu được phần nào kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên và phương pháp giáo dục trẻ tại gia đình, từ đó nuôi dạy, quản lý Tuấn tốt hơn. Về phần cháu Tuấn, qua các kiến thức và hướng dẫn của cán bộ Trung tâm, hiện Tuấn đã biết tự giặt quần áo cho bản thân, biết giúp bà nấu cơm, làm việc nhà mỗi khi bà đi vắng. Ngoài giờ học cháu còn giúp bà thu gom phế liệu để tăng thu nhập, giúp ổn định cuộc sống của hai bà cháu.
Ngay từ khi triển khai mô hình thí điểm năm 2013, Trung tâm đã phân công cán bộ thực hiện quản lý trường hợp đối với từng trẻ và gia đình cụ thể thông qua việc thu thập thông tin từ nhiều chiều liên quan đến trẻ và gia đình cũng như phân tích các thông tin đó, họp với các thành viên thuộc Trung tâm và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương có liên quan để xây dựng kế hoạch can thiệp, trợ giúp, nâng cao năng lực nhằm giúp trẻ và gia đình tự giải quyết vấn đề họ đang gặp phải theo tiến trình và sự giúp đỡ của nhân viên CTXH và chính quyền địa phương. Hàng năm, có đánh giá, tổng kết và xây dựng lại kế hoạch ứng với mỗi vấn đề của đối tượng.
Các hoạt động tích cực của nhân viên CTXH và chính quyền địa phương đã giúp đã giải quyết được nhiều vấn đề của nhiều đối tượng được quản lý như: Trường hợp của cháu Vũ Đình Tùng đang ở với bà Nguyễn Thị Vân. Cháu là trẻ mồ côi, có HIV, bị tâm thần không đi học được. Ngoài hoàn cảnh khó khăn nêu trên của cháu đang được Trung tâm và chính quyền địa phương hỗ trợ thì một vấn đề rất éo le phát sinh khác đối với trường hợp của cháu là bị gia đình người bác ghét bỏ không cho ở nhờ nhà, muốn gửi cháu vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em có HCĐB (hai bà cháu phải ở nhờ gia đình người hàng xóm). Qua các hoạt động tư vấn, tham vấn đối với trẻ và gia đình, qua việc vận động của nhân viên công tác xã hội và các ban ngành đoàn thể trên địa bàn đã thuyết phục được gia đình người bác thay đổi thái độ, hành vi đối với cháu, chấp nhận cho cháu được nuôi dưỡng và ở nhà với gia đình, không còn ý định gửi cháu vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em có HCĐB.
Kết quả hơn 3 năm triển khai thực hiện thí điểm mô hình 647 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho thấy đây là một hoạt động giàu tính nhân văn, có ý nghĩa thiết thực trong việc chăm sóc, trợ giúp những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
19-11-2024 20:08 22
-
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
19-11-2024 16:12 29
-
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
18-11-2024 15:03 39
-
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
06-11-2024 10:25 08
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18