Lao động
Gần 13,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp
11:18 AM 16/03/2023
(LĐXH) - Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và địa phương tính đến cuối năm 2022 số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp là gần 13,4 triệu người. Đặc biệt trong những năm gần đây các chính sách về BHXH, BHYT, BHTN được tuyên truyền rộng rãi giúp người dân hiểu rõ và chủ động tham gia…
Chính sách về BHTN ngày càng được nhiều người quan tâm
Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đã đạt được nhiều kết quả tích cực, số người tham gia tăng nhanh qua các năm. Số người tham gia BHXH đến hết năm 2021 là 16,546 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đến hết năm 2021 là 1,449 triệu người... Đặc biệt, về lĩnh vực BHTN tính đến hết năm 2021, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là13,394 triệu người, tổng số thu bảo hiểm thất nghiệp là 17,063 tỷ đồng; Trong năm 2021 các Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp nhận 801,9 nghìn người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), 1,789 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm và trên 18 nghìn người được hỗ trợ học nghề.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tào Bằng Huy – Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: “Chính sách bảo hiểm xã hội được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 với rất nhiều điểm mới quan trọng bao gồm các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, quy định cụ thể hơn chính sách, bổ sung thêm một số chính sách mới, mở rộng đối tượng tham gia, tăng mức trợ cấp, điều chỉnh chế độ hưu trí... Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Luật Việc làm năm 2013, đây là công cụ quản trị thị trường lao động, hỗ trợ người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được người sử dụng lao động và người lao động đón nhận một cách tích cực, được dư luận xã hội đánh giá là một trong những chính sách sớm đi vào cuộc sống...”
Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHTN
Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Ngày 23/5/2018, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đặt ra mục tiêu cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tiếp đó, Chính phủ  đã ban hành Nghị quyết 125/NQ-CP ngày 08/10/2018 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Nghị quyết đã đưa ra các nội dung cải cách; các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội; Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tạo sự đồng thuận trong cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền; đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
Nội dung liên quan đến quan hệ lao động được quy định trong Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu và trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn thực hiện. Tại Hội nghị này ngoài 2 nội dung chính về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, Ban tổ chức sẽ dành thời gian trao đổi thêm về vấn đề quan hệ lao động và cấp phép quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam... “Thông qua các hội nghị này, các doanh nghiệp, Phòng Lao động - Thương binh – Xã hội, Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố những người trực tiếp triển khai thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động có thêm những kiến thức, kỹ năng để giải quyết những trường hợp còn vướng mắc đồng thời chia sẻ các khó khăn, và đưa ra các ý kiến đóng góp hoàn thiện để chính sách ngày càng đi vào cuộc sống...” Ông Tào Bằng Huy chia sẻ thêm./.
 Nguyễn Hữu Bắc