Gần 16.000 người lao động ở Hải Dương bị cắt giảm giờ làm và nghỉ việc
(LĐXH)- Theo báo cáo từ Sở Lao động - TBXH Hải Dương, tính đến hết tháng 4/2023, số lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh bị cắt giảm lao động, nghỉ việc là gần 16.000 người.
Hải Dương là tỉnh có vị thế và vai trò rất quan trọng, nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, trong không gian phát triển vùng Thủ đô Hà Nội. Tỉnh có 12 đơn vị hành chính, với 235 xã, phường, thị trấn; diện tích tự nhiên trên l,66 nghìn km2, dân số khoảng 1,9 triệu người.
Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời kỳ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số khó khăn do giá cả một số vật tư, nguyên liệu đầu vào và nhu yếu phẩm tăng cao, tỉnh Hải Dương đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong việc thực hiện “mục tiêu kép”. Kinh tế bắt đầu có sự phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, các ngành sản xuất, kinh doanh trở lại hoạt động bình thường. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,14%. Cơ cấu kinh tế, tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản đạt 8,8%; công nghiệp, xây dựng 56,1%, dịch vụ 8,8% và thuế, trợ cấp sản phẩm tương ứng 8,6%.
Lực lượng lao động của tỉnh Hải Dương năm 2022 đạt 952.646 người, đứng thứ 11/63 cả nước và thứ 3/11 vùng đồng bằng sông Hồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, quy mô lực lượng lao động dự kiến sẽ giảm nhẹ do hoạt động kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến tình trạng việc làm và thu nhập. 6 tháng cuối năm 2023, khi hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi (đặc biệt là các doanh nghiệp may mặc, da giày, lắp ráp điện tử sử dụng nhiều lao động), quy mô lực lượng lao động của tỉnh dự báo sẽ tăng dần trở lại.
Có thể thấy, tỷ lệ thất nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2022 ở Hải Dương đều ổn định ở mức dưới 2%. Khu vực thành thị có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nông thôn, tỷ lệ thiếu việc làm dưới 2% đã tiếp tục khẳng định thị trường lao động trong tỉnh cơ bản ổn định; nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế tăng thấp, lạm phát cao.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2023, theo báo cáo của các doanh nghiệp tính đến 30/4/2023, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 250 doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động hoặc không thực hiện tuyển bổ sung khi có lao động nghỉ việc, hết thời hạn hợp đồng; trong đó có 83 doanh nghiệp trong nước và 167 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân của tình trạng cắt giảm lao động, việc làm, không tuyển mới bổ sung khi có lao động nghỉ việc, chủ yếu là do giảm đơn hàng (192 doanh nghiệp), các nguyên nhân khác (58 doanh nghiệp).
Theo báo cáo từ Sở Lao động - TBXH Hải Dương, tính đến hết tháng 4/2023, số lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh bị cắt giảm lao động, nghỉ việc là gần 16.000 người. Cụ thể gồm: số lao động thôi việc, mất việc làm là 11.320 người (chủ yếu trong các ngành: dệt may 5.470 người, da giày 1.261 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử 1.826 người); số lao động giảm giờ làm là 1.873 người (chủ yếu trong các ngành: dệt may 1.873 người, da giày 1.409 người, sản xuất linh kiện và điện tử 238 người); số lao động ngừng việc, nghỉ không lương 2.802 người.
Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã tích cực tìm kiếm đơn hàng để đảm bảo duy trì sản xuất, trả lương cho người lao động để giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Chủ động tuyển dụng lao động bằng nhiều hình thức, đồng thời tích cực phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm tìm kiếm lao động để bổ sung lực lượng lao động không trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, bổ sung lao động tại các vị trí việc làm trống.
Báo cáo của 278 doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp sử dụng từ 100 lao động trở lên), 8 tháng cuối năm 2023 các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 18.500 lao động.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, Sở Lao động - TBXH Hải Dương đac hỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường hỗ trợ kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu, tạo việc làm cho người lao động. Kết quả, trong 4 tháng đầu năm 2023, đã tư vấn việc làm, tư vấn học nghề và tư vấn pháp luật lao động cho 6.703 lượt lao động, giới thiệu việc làm cho 1.585 người, giới thiệu việc làm cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp 3.796 người. Sở cũng đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cho vay số tiền 779,4 triệu đồng (15 dự án, tạo việc làm mới cho 15 người)…
Thời gian tới, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục ẩđy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và cung cấp nguyên, vật liệu đầu vào. Mở rộng phạm vi tiếp cận nguồn vốn vay, giảm lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp để khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ dạy nghề, đào tạo, tạo việc làm; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Chí Tâm
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
Thái Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động
11-11-2024 11:03 25
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48
-
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
03-10-2024 15:25 42