Lao động
Gần 4.000 lao động được hưởng chính sách tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất
07:02 PM 01/08/2021
(LĐXH)- Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tính đến cuối tháng 7, cả nước đã có 3.937 lao động được hưởng chính sách tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 31,65 tỷ đồng.
Cụ thể, về chính sách điều chính mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã hoàn thành việc điều chính mức đóng bằng 0% vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và gửi thông báo cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 là khoảng 4.322 tỷ đồng.
Đối với chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 52 đơn vị, tương ứng 3.937 lao động tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 31,65 tỷ đồng tại 13 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hải Dương, Hải Phòng, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Yên, Tiền Giang, Trà Vinh.

Đến nay đã có 52 đơn vị được tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất

Cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng đã xác nhận danh sách lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp để hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg cho 107.404 lao động của 8.518 đơn vị sử dụng lao động tại 44 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Định, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Trà Vinh, Tuyên Quang.
Trong đó có 83.778 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 1.736 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người; 2.851 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để vay vốn trả lương ngừng việc; 13.938 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động). 5.148 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
Phải khẳng định rằng, các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đang được triển khai đúng hướng, thiết thực, đúng đối tượng; các đối tượng thụ hưởng dễ tiếp cận, các cơ quan chức năng liên quan và địa phương dễ triển khai thực hiện...
Thời gian tới, để phát huy và thực hiện hiệu quả chính sách, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, các cơ quan liên quan và các địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ kịp thời giải quyết các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chí Tâm
Từ khóa: