Ghi nhận trong công tác giảm nghèo bền vững ở Hòa Bình
(LĐXH)- Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, sự phối kết hợp hiệu quả của các cấp, các ngành, địa phương và sự nỗ lực, đồng lòng của nhân dân trong tỉnh, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hòa Bình đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Hoà Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 75%. Hiện tỉnh có 86 thôn, xóm đặc biệt khó khăn, trong đó có 38 thôn, xóm thuộc xã khu vực I và 48 thôn, xóm thuộc xã khu vực II. Chính vì vậy, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hòa Bình luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình xây dựng, phát triển địa phương và đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững.
Nguồn vốn đã được bố trí cho thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021-2024 là gần 2.078 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương bố trí gần 732,7 tỷ đồng; Ngân sách địa phương (cấp tỉnh) đã bố trí gần 7,8 tỷ đồng; Vốn tín dụng: 1.335 tỷ đồng; Vốn huy động khác: gần 1,9 tỷ đồng.
Tỉnh rất quan tâm tới công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của các hộ nghèo. Mục tiêu lớn nhất là để người dân có thể phát huy được tinh thần tự lực, có khát vọng, chủ động, nỗ lực phấn đấu và vươn lên thoát nghèo. Các hoạt động giảm nghèo, chế độ, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay, kiến thức khoa học kỹ thuật, mô hình giảm nghèo hiệu quả cũng được phổ biến nhân rộng.
Các dự án, chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ, phù hợp từng nhóm đối tượng, các nguồn lực được tăng cường lồng ghép từ ngân sách, cộng đồng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Bên cạnh tập trung triển khai các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh đã lồng ghép thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 171).
Các địa phương đã thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ và sự tham gia giám sát của cộng đồng, giám sát của người dân trong triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững. Vai trò của Ban Giám sát xã đã được phát huy, thông qua việc giám sát thực hiện từng công trình, dự án cụ thể được thực hiện tại địa phương. Các nguồn vốn bố trí thực hiện Chương trình được ưu tiên và cấp phát đầy đủ, đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch được giao và phát huy hiệu quả. Chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo và làm giàu.
Hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được đẩy mạnh đầu tư. Hàng trăm lớp đào tạo nghề cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tổ chức. Các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế cùng nhiều hình thức tư vấn, hướng nghiệp, kết nối lao động, việc làm, hỗ trợ xuất khẩu lao động được tích cực triển khai giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng để có việc làm hoặc tự tạo việc làm ổn định, chủ động vươn lên thoát nghèo. Các hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện đều được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, xuất khẩu lao động, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin…
Là một trong 10 tỉnh có đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao, Hòa Bình rất chú trọng việc ưu tiên đầu tư, nỗ lực thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn nhằm ổn định dân cư, giải quyết sinh kế, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, nhất là người dân vùng đồng bào DTTS.
Với những giải pháp đồng bộ, cách làm sáng tạo, công tác giảm nghèo ở Hoà Bình đã đạt được những kết quả ấn tượng .Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh cuối năm 2023 là 18,12%, trong đó: Số hộ nghèo giảm còn 20.306 hộ, chiếm tỷ lệ 9,2%; Hộ cận nghèo: 19.692 hộ, chiếm 8,92% so với tổng số hộ dân trên địa bàn. Bình quân giai đoạn 2022-2024 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,86%, đạt kế hoạch đề ra.
Những thành tựu đó đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. /.
Mỹ Linh
Từ khóa:
-
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
08-11-2024 11:21 35
-
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
14-11-2024 10:52 07
-
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
13-11-2024 14:48 14
-
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
02-10-2024 14:34 08
-
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
09-09-2024 10:51 12
-
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
07-09-2024 18:54 08