Kinh tế
Giá đỗ chứa chất cấm có thể gây hàng loạt nguy hiểm
08:49 AM 28/12/2024
(LĐXH) - Khi sử dụng số lượng nhiều hoặc trực tiếp, giá đỗ được ủ bằng hoạt chất 6-Benzylaminopurine có thể gây ngộ độc, thậm chí khiến người sử dụng tử vong.

Công an tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật vụ 6 cơ sở dùng chất cấm để ủ giá đỗ bán ra thị trường lên đến 2.900 tấn với trị giá khoảng 400 triệu đồng.

Cơ quan công an thu giữ trên 20 tấn giá đỗ ủ hóa chất cấm. (Ảnh: Công an cung cấp)

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ sinh học và thực phẩm cho biết: "Hoạt chất 6-Benzylaminopurine là chất không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm tại Việt Nam. Việc sử dụng hóa chất làm giá đỗ không phải là hiếm gặp, nhưng làm và tung ra thị trường với số lượng lớn như trên thì thật sự đáng báo động".

Theo ông Thịnh, hoạt chất 6-Benzylaminopurine thực chất là chất kích thích tăng trưởng tế bào, giúp kích thích tăng trưởng thực vật. Nếu ăn với số lượng ít hóa chất sẽ tích tụ trong người, gây biến đổi gen, mắc nhiều bệnh. Còn sử dụng số lượng nhiều hoặc trực tiếp có thể gây ngộ độc, thậm chí có nguy cơ tử vong. Theo đó, khi hít hoặc ăn phải thực phẩm có chứa hoạt chất 6-Benzylaminopurine, có thể gây viêm phổi, làm nặng thêm bệnh phổi mãn tính, xơ phổi; với phụ nữ mang thai tiếp xúc chất này có thể khiến thai nhẹ cân, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh. Trường hợp tiếp xúc ngoài da cũng rất nguy hiểm, có thể gây viêm da, hoặc văng vào mắt có thể gây viêm kết giác mạc. Nếu ăn nhiều có thể gây ngộ độc, tử vong.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo, khi sử dụng giá đỗ được ủ bằng hoạt chất 6-Benzylaminopurine sẽ vô cùng nguy hiểm tới sức khỏe. (Ảnh: NVCC)

Ông Thịnh cũng lưu ý: “Thông thường chất 6-Benzylaminopurine chỉ tan tốt trong dung dịch kiềm, kém tan trong nước có pH trung tính hay axit. Do vậy, khi mua phải giá đỗ ngâm loại hóa chất này, có rửa hay ngâm bao nhiêu nước cũng không thể làm hòa tan hay tẩy sạch được”.

Giá đỗ ngâm với hoạt chất 6-Benzylaminopurine sẽ không có cách nào để loại bỏ được, kể cả khi rửa và nấu chín. (Ảnh: Công an cung cấp)

PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, để hạn chế tình trạng sử dụng hóa chất để ngâm ủ giá đỗ nói riêng, thực phẩm nói chung cần phải tăng cường quản lý, kiểm nghiệm, đồng thời áp dụng chế tài đủ mạnh để xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng. (Ảnh: vov.vn)

Trước đó, quá trình theo dõi trên không gian mạng, lực lượng chức năng phát hiện nhóm đối tượng "Hội giá đỗ Miền Nam" và "Hội làm giá đỗ" có những dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra đồng loạt 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Kết quả điều tra làm rõ, trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày 8-10 tấn.

Dù biết ngâm với hóa chất là độc hại nhưng các đối tượng vẫn sử dụng để sản xuất giá đỗ và cung ứng ra thị trường 8-10 tấn/ngày. (Ảnh: Công an cung cấp)

Các đối tượng đều biết rõ hoạt chất 6-Benzylaminopurine là hóa chất cấm, nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng vì lợi nhuận, các cơ sở này vẫn sử dụng để ủ giá đỗ. Việc sử dụng chất cấm của các đối tượng để ủ giá đỗ với mục đích làm cho rễ giá ngắn lại, thân giá to, tăng trọng lượng, có màu sắc đẹp, được thị trường ưa chuộng.

Các đối tượng thường trao đổi với nhau, đặt tên chất cấm hoạt chất 6-Benzylaminopurine là "nước kẹo". Tỷ lệ các đối tượng thường pha trộn là 400ml "nước kẹo" tương ứng với 1.000l nước giếng để tưới cho khoảng 2.000kg giá đỗ.

Tiến hành đóng gói giá đỗ ngâm hóa chất để bán ra thị trường. (Ảnh: Công an cung cấp)

Số giá đỗ ngâm hóa chất được nhóm đối tượng bán sỉ cho nhiều đại lý ở chợ đầu mối Tân Hòa (thành phố Buôn Ma Thuột) sau đó được vận chuyển về các huyện, thị xã, thành phố để tiêu thụ. Đáng chú ý, một cơ sở khai nhận cung cấp cho Bách Hóa Xanh mỗi ngày 350kg - 400kg giá đỗ dùng nhãn mác "Vì sức khỏe của mọi người", "không hóa chất", "không chất kích thích", "không chất bảo quản" để lừa dối người tiêu dùng.

Cửa hàng Bách Hóa Xanh tại Đắk Lắk đã thu hồi và ngừng bán sản phẩm giá đỗ của nhà cung cấp Lâm Đạo và tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả các sản phẩm giá đỗ nhập từ đối tác khác. (Ảnh: vov.vn)

Ngay khi biết thông tin, Bách Hóa Xanh lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ giá đỗ bán tại chi nhánh ở Buôn Ma Thuật, đồng thời kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm đang cung cấp tại chuỗi. Bách Hóa Xanh khẳng định, cơ sở bị phát hiện sử dụng chất cấm nêu trên, chỉ cung cấp sản phẩm cho chuỗi này tại khu vực TP Buôn Ma Thuột, chiếm 2% tổng sản lượng giá đỗ của toàn chuỗi.

Trịnh Hải