Kinh tế
Sau 4 năm thua lỗ triền miên, Vietnam Airlines báo lãi kỷ lục
04:58 PM 28/12/2024
(LĐXH) - Vietnam Airlines vừa ngắt mạch thua lỗ với mức lãi kỷ lục hơn 7.300 tỷ đồng cho năm 2024. Dù vậy sang năm sau, công ty chỉ đặt ra mục tiêu lãi hơn 2.000 tỷ, thấp hơn cả giai đoạn trước dịch.

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà thông tin năm nay, sản lượng vận chuyển hành khách đạt 22,7 triệu lượt, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sản lượng hàng hóa đạt 314.700 tấn, tăng 40%.

Theo đó, doanh thu hợp nhất năm 2024 của tổng công ty ước đạt 114.741 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023, trong khi lợi nhuận trước thuế đạt 7.324 tỷ đồng, ngắt mạch 4 năm thua lỗ liên tiếp. Đây cũng là con số lợi nhuận cao kỷ lục của Vietnam Airlines kể từ khi công bố báo cáo tài chính.

Lãnh đạo doanh nghiệp chưa lý giải nguyên nhân lãi kỷ lục cả năm 2024. Tuy nhiên, hồi giữa năm, Vietnam Airlines đã ghi nhận lãi hợp nhất hơn 5.200 tỷ đồng, trong đó cho biết việc công ty con Pacific Airlines được xóa nợ đã đóng góp rất lớn vào kết quả này với khoảng 4.500 tỷ đồng.

Bước sang năm 2025, Vietnam Airlines dự kiến vận chuyển 25,4 triệu lượt hành khách và 336,3 nghìn tấn hàng hóa, đồng thời phấn đấu đạt doanh thu 95.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.176 tỷ đồng. Mức lợi nhuận đề ra này khá khiêm tốn, thấp hơn cả giai đoạn trước dịch.


Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán.

Thực tế, Vietnam Airlines bắt đầu chịu lỗ kéo dài từ năm 2020, do những ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch COVID-19. Khi đó, nhu cầu ngành hàng không suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là các chuyến bay quốc tế - mảng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của hãng bay. Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm, cùng với chi phí logistics tăng cao khiến doanh thu của tổng công ty suy giảm mạnh.

Trong khi đó, chi phí cố định bao gồm thuê máy bay, bảo trì vận hành đội bay và lương cho nhân viên vẫn phải duy trì. Đặc biệt, giá nhiên liệu bay biến động mạnh và tăng đột biến trong năm 2022 - 2023, khiến chi phí vận hành tổng công ty tăng đáng kể, đẩy Vietnam Airlines đã khó lại càng thêm khó.

Mặt khác, do chi phí thuê tàu bay, nhiên liệu của Vietnam Airlines được trả chủ yếu bằng đồng USD, các khoản vay nợ cũng bằng đồng tiền quốc tế này, nên việc biến động tỷ giá (đồng VND mất giá so với USD) đã gây nên áp lực trả nợ cho hãng hàng không này. Trung bình mỗi năm, công ty tốn hơn 4.000 tỷ đồng để trả chi phí tài chính.

Những khó khăn trong giai đoạn trong và sau đại dịch COVID-19 đã khiến Vietnam Airlines thua lỗ 4 năm liên tiếp, riêng trong ba năm 2020 – 2022, hãng bay này lỗ trung bình mỗi năm hơn 10.000 tỷ đồng.

Khoản lỗ khổng lồ đã xoá hết thành quả kinh doanh của Vietnam Airlines trong hơn nửa thế kỷ thành lập. Tính đến hết năm 2023, hãng tàu bay này lỗ luỹ kế tới 5.631 tỷ đồng.

Điều này dẫn tới việc Vietnam Airlines phải nhanh chóng triển khai các giải pháp tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp giai đoạn 2020 – 2023.

Ngoài ra, hãng rà soát cắt, giảm các dự án đầu tư chưa cấp thiết; giãn tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư để hạn chế phát sinh kinh phí giải ngân; giãn tiến độ đấu thầu, giảm quy mô đầu tư và nhiều chiến lược khác, không ảnh hưởng hoặc làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bắt đầu từ năm 2024, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines đã có những chuyển biến tích cực, trong bối cảnh ngành hàng không nói chung cho thấy những phục hồi đáng kể sau đại dịch. Tổng công ty đã chứng kiến ba quý có lãi trong năm. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, công ty lãi ròng 6.570 tỷ đồng, giúp đưa tổng mức lỗ luỹ kế đến hết tháng 9/2024 về còn 35.225 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu vẫn âm hơn 11.000 tỷ.

Tại phiên họp bất thường đầu năm 2025, Vietnam Airlines dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ và những định hướng trong Đề án phục hồi sản xuất, cơ cấu đến năm 2035.

Trước đó, vào cuối tháng 11, hãng bay này đã được Quốc hội đồng ý thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Trong đó, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 1, cho phép Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua khi Vietnam Airlines thực hiện phương án tăng vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2, chấp thuận về chủ trương, giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện phương án (gồm phương án Nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp) với quy mô phát hành tối đa 13.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, nghị quyết cũng cho phép CTCP Hàng không Pacific Airlines - công ty con của Vietnam Airlines, được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền, còn nợ đến ngày 31/12.

Pacific Airlines có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền thuế còn nợ (nợ gốc) trước ngày 31/12. Sau thời hạn trên, cơ quan thuế thực hiện tính tiền chậm nộp, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định.

Chốt phiên 27/12, HVN dừng ở 29.000 đồng/cp. (Nguồn: TradingView)

Từ tháng 7/2023 đến nay, khoảng 2,2 tỷ cổ phiếu HVN nằm trong diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch phiên chiều). Chốt phiên 27/12, cổ phiếu này đang dừng ở 29.000 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hoá 64.217 tỷ đồng.


Minh Hằng

 

Từ khóa: