Lao động
Giảm tỷ lệ thất nghiệp hướng đến việc làm bền vững
12:16 PM 09/12/2024
(LĐXH) - Năm 2024, thị trường lao động, việc làm chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm. Đây cũng là một trong những nhân tố quan trọng để hướng tới việc làm bền vững trong giai đoạn tiếp theo…
Thông qua các sàn giao dịch việc làm nhiều lao động đã tìm kiếm được việc làm bền vững
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 tạo điều kiện cho phục hồi, phát triển thị trường lao động. GDP chín tháng năm 2024 tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.
Tính chung mười tháng năm 2024, cả nước có hơn 202,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023 (bình quân một tháng có hơn 20,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động). Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trưởng là 173,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn 29,1 nghìn so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Với sự phục hồi của kinh tế - xã hội, thị trường lao động năm 2024 tiếp tục đà phục hồi, phát triển; các thông số về thị trường lao động cơ bản đã quay trở lại theo xu hướng bình thường trong giai đoạn trước thời kỳ dịch Covid-19, cụ thể tính đến chín tháng đầu năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 210,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 28,1%, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Số người có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,7 triệu người, tăng 753,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 31,7 triệu người, giảm 541,5 nghìn người. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp) là 64,6%, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 49,3%, khu vực nông thôn là 74,2%, tăng 0,2%...
Tiếp đó, chuyển dịch cơ cấu lao động đạt được một số kết quả, lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,6% và giảm 126,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17 triệu người, chiếm 33,1% và giảm 151,5 nghìn người; khu vực dịch vụ là 20,7 triệu người, chiếm 40,3% và tăng 490,2 nghìn người. Thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,6 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,4 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,2 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tính đến thời điểm này là 2,26%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,55%; khu vực nông thôn là 2,07%. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,99%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,28%, giảm 0,32%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,46%, tăng 0,18%.
Với mục tiêu hạn chế tối đa về tình hình thiếu hụt lao động của doanh nghiệp, thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động tổ chức các đoàn công tác thực tế và tổ chức khảo tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất và có nhu cầu sử dụng lao động lớn để đánh giá tính chất thực tế của hiện tượng thiếu hụt lao động./.
Hữu Bắc