Triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo bước chuyến biến cơ bản về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo: "Triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo bước chuyến biến cơ bản trong lĩnh vực dạy nghề"
Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Đảng ủy Bộ; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Cục Việc làm…
Báo cáo với Bộ trưởng về công tác dạy nghề, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ra đời đã hình thành được hệ thống GDNN trong hệ thống giáo dục quốc dân theo 3 cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, nhằm đáp ứng về cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Nhiều nội dung mới mang tính đột phá, tiếp cận với trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới... Hiện nay, mạng lưới dạy nghề đã phát triển triển rộng khắp cả nước, đa dạng về các loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Toàn quốc hiện có 1.989 cơ sở GDNN ở tất cả các tỉnh, thành phố (gồm các Trung tâm dạy nghề; Trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp; cao đẳng nghề), trong đó đã quy hoạch mạng lưới các trường nghề chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia và khu vực...
Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Trong 5 năm, từ 2011-2015, lĩnh vực GDNN đã tuyển sinh được 74% so với kế hoạch; số lượng nhà giáo phát triển nhanh, chất lượng tiếp tục được nâng cao cả về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề; chương trình dạy nghề ngày càng hoàn thiện, tiếp cận trình độ của các nước trong khu vực và thế giới; cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề được đầu tư trang bị ngày càng hiện đại, đồng bộ; chất lượng GDNN ngày càng có bước chuyển biến tích cực…
Mục tiêu tổng quát phát triển GDNN đến năm 2020, hệ thống GDNN đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề đào tạo, tập trung nâng cao chất lượng GDNN trong đó một số ngành nghề đạt chuẩn khu vực ASEAN và các nước phát triển. Đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế, tạo sự đột phá về chất lượng giáo dục nghề nghiệp… Trong đó, mục tiêu cụ thể từ 2016 đến 2020 là: đào tạo mới trình độ trung cấp, cao đẳng cho khoảng 3,2 triệu người (trong đó 10 % được đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia khu vực và quốc tế), đào tạo sơ cấp và đào tạo thường xuyên khoảng 8,8 triệu người. Đến năm 2020, phấn đấu có khoảng 70 trường nghề chất lượng cao, trong đó có khoảng 10 trường tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới, 100% các nhà giáo dạy các ngành nghề trọng điểm quốc gia, 70% các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia được xây dựng chương trình đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra, 100% các ngành nghề được ban hành danh mục và tiêu chuẩn thiết bị đào tạo theo từng trình độ đào tạo…
PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề
Bổ sung các giải pháp thực hiện các mục tiêu đề ra, theo PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, đòi hỏi mỗi cán bộ trong lĩnh vực GDNN phải nỗ lực. Đặc biệt, dưới góc độ quản lý Nhà nước về GDNN, cần đổi mới hoàn thiện các cơ chế chính sách về GDNN. “Cơ chế chính sách phải đồng bộ, phù hợp với thực tiễn đối với đội ngũ giáo viên, người học, cơ sở GDNN, người lao động trước khi tham gia thị trường lao động… Đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong các cơ sở GDNN, đầu tư đồng bộ phát triển các ngành, nghề trọng điểm khu vực và quốc tế…”, ông Sâm phát biểu.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ đã trao đổi thẳng thắn, làm rõ hơn thực trạng “bức tranh” của GDNN thời gian qua và giải đáp cũng như đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng GDNN trong giai đoạn tới...
Toàn cảnh buổi làm việc Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Khi Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ LĐ-TBXH nhận quản lý Nhà nước về công tác dạy nghề thì đây là một trọng trách lớn trước Đảng và nhân dân, quan điểm chung của lãnh đạo Bộ là toàn ngành phải tạo ra một nỗ lực rất lớn, có trách nhiệm để triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo bước chuyến biến cơ bản trong lĩnh vực dạy nghề…”.
Vì vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu lãnh đạo chủ chốt của Tổng cục Dạy nghề trên cơ sở những ý kiến đóng góp, kiến nghị, hạn chế vướng mắc… sẽ tổng hợp theo từng nhóm vấn đề, nghiên cứu đề xuất với Bộ, đồng thời cũng là cơ sở để Tổng cục Dạy nghề đánh giá lại một cách tổng quan nhằm có giải pháp thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước mắt Tổng cục Dạy nghề cần thực hiện tốt 3 khâu đột phá trong đào tạo nghề chất lượng cao. Mặt khác cần quy hoạch mạng lưới dạy nghề sao cho về chủ trương phát triển mạnh mẽ mạng lưới GDNN. Cần hạn chế bao cấp các trường công lập, tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ từng phần hoặc toàn phần. Trong quá trình thực hiện không nhất thiết địa phương nào cũng phải có trường, xu hướng sẽ tập trung phát triển trường trọng điểm, dần hình thành các trường vệ tinh. Đồng thời, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào trường nghề.
Về việc tiếp nhận các trường từ Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng lưu ý, không được có thái độ phân biệt, cần giữ nguyên hiện trạng các trường sau bàn giao, các trường chất lượng cao từ Bộ GD-ĐT cần cộng hưởng với các trường chất lượng cao của Bộ đang quản lý… Về đào tạo liên thông, Bộ trưởng yêu cầu sớm xây dựng dựng quy trình liên thông và tiêu chuẩn liên thông, để những người có đủ điều kiện và có nhu cầu tiếp tục học liên thông đến trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nghề nghiệp…
Đặc biệt vấn đề phân luồng học sinh, Bộ trưởng nhấn mạnh, đổi mới thì chất lượng đào tạo nghề phải được nâng lên; số có việc làm, thu nhập của người học nghề cũng nâng lên, nhận thức về học nghề phải được thay đổi. Để làm được việc này, thì công tác dạy nghề phải gắn rất chặt với điều tra nhu cầu thị trường lao động, điều tra nhu cầu doanh nghiệp để hướng học sinh học nghề, học ra có việc làm…
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Dạy nghề khẩn trương, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; các quy chế, chức năng nhiệm vụ, vận hành bộ máy và thực hiện nhiệm nhiệm vụ chuyên môn điều hành của Tổng cục…; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển dạy nghề; tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong lĩnh vực dạy nghề; tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính trong dạy nghề; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp.../.
N.Ngọc