Xã hội
Hà Giang: Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh
01:29 PM 22/11/2024
(LĐXH) – Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã nỗ lực rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh để trả lại những vùng đất sạch, an toàn cho nhân dân sinh sống và sản xuất. Đồng thời, tỉnh cũng huy động nhiều nguồn lực, đặc biệt là sự hỗ trợ của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, để hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân, giúp họ ổn định cuộc sống.
Nỗ lực rà phá bom mìn
Hà Giang là tỉnh biên giới phía Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là tỉnh bước ra khỏi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau cùng cả nước. Trải qua cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới những năm 1979 - 1989 đầy khốc liệt, hệ thống bom mìn, vật cản trên một số khu vực, nhất là khu vực gần các điểm cao chiến lược mật độ lớn và dày. Khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ chủ yếu nằm dọc trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tại các huyện biên giới Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần và Hoàng Su Phì. Đến nay, tổng diện tích đất đã rà phá bom, mìn vật nổ trên địa bàn toàn tỉnh là 12.233 ha. Diện tích ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn khoảng 77.900 ha.
Các chiến sĩ công binh nỗ lực rà phá bom mìn
Thời gian qua, với sự nỗ lực không quản ngại khó khăn của cán bộ, chiến sĩ công binh, hàng nghìn hécta đất đã được rà phá sạch bom mìn và bàn giao cho các địa phương. Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Hà Giang đã triển khai Dự án rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ðể thực hiện dự án hiệu quả, Quân khu 2 đã huy động 8 đơn vị, với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành với hơn 1.700ha đất tại các điểm cao thuộc các xã Thanh Ðức, Thanh Thủy, Xín Chải (huyện Vị Xuyên). Giai đoạn 2 của dự án đang thực hiện rà phá 1.500ha. Trong đó, xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên) 1.130ha, xã Nghĩa Thuận 170ha, xã Tả Ván (huyện Quản Bạ) 200ha. Đến tháng 3.2024, hơn 60% diện tích đã được hoàn thành công tác rà phá bom mìn. Dò tìm và thu được hơn 15.000 vật liệu nổ như đạn pháo cối; đạn M79; cùng các loại vật liệu nổ khác. Dự kiến cuối năm 2024, các đơn vị sẽ hoàn thành rà phá bom mìn, vật liệu nổ theo kế hoạch.
Đẩy mạnh hỗ trợ nạn nhân
Cùng với việc nỗ lực rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh để trả lại những vùng đất sạch, an toàn cho nhân dân sinh sống, thời gian qua, tỉnh cũng huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân, giúp họ ổn định cuộc sống. 
Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam trao quà tặng cho ông Nông Đình Dũng
Theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Giang có trên 400 nạn nhân bị tai nạn bom mìn trong nhiều năm qua. Có những nạn nhân bị cụt cả 2 chân, có người bị cụt cả 2 tay hay có người bị cụt một tay và một chân kèm theo hỏng mắt… Thời gian qua, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã giúp các nạn nhân 105 con bò giống sinh sản, trợ giúp lắp chân giả cho 51 người, tặng trên 200 suất quà mỗi năm. Một số huyện như Mèo Vạc, Vị Xuyên, Đồng Văn đã chi thêm kinh phí làm chuồng, tập huấn chăn nuôi cho các hộ dân.
Ông Nông Đình Dũng là một trong những nạn nhân bom mìn ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Ông Dũng cho biết, năm 1990, cả gia đình ông từ nơi sơ tán ở Bắc Mê về xã Thanh Thủy. Đất đai nơi đây chỉ toàn lau sậy, núi đá bị đạn pháo cày xới bạc trắng. Ông Dũng dựng nhà, vỡ từng mảnh đất làm nương. Năm 2005, trên đường lên nương, ông đạp phải mìn và mất đi bàn chân phải. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Được sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước ông được lắp chân giả và được nhận khoản trợ cấp cho người khuyết tật nên gia đình cũng với đi phần nào khó khăn.

Từ một con bò được hỗ trợ ban đầu, gia đình ông Dũng gây dựng được đàn bò 4

Năm 2018, gia đình ông được Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam hỗ trợ một con bò giống, nhờ chăm sóc tốt, đến nay số bò đã tăng lên 4 con. Tiền bán bò giúp ông có thêm khoản lo cho con út học hành, tích cóp mua thêm bò mới gây đàn sinh sản. Ông Dũng chia sẻ: “Nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước nên gia đình tôi đã có điều kiện để tăng gia sản xuất, giúp tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tôi cũng mong muốn bom mìn sẽ được rà phá hết để người dân chúng tôi yên tâm làm ăn, đi rừng không còn lo giẫm đạp phải mìn nữa…”.
Được sự chung tay, vận động hỗ trợ của Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, cuộc sống của các nạn nhân bom mìn đã bớt đi phần nào những khó khăn, vất vả vì bị thiếu đi một phần cơ thể. Đây cũng là nguồn động viên tinh thần rất lớn, giúp các đối tượng vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống./.
Hiền Hưng
Từ khóa: