Hà Giang hỗ trợ 38.544 lượt hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất
(LĐXH)- Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 38.544 lượt hộ nghèo, 11.307 lượt hộ cận nghèo, 7.683 lượt hộ mới thoát nghèo, 6.089 lượt hộ dân tộc thiểu số được vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tạo việc làm cho 6.071 lao động trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Theo báo cáo về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang nhận ủy thác giải ngân vốn tín dụng với tổng dư nợ đạt 2.895,2 tỷ đồng/82.532 hộ, tăng 939,9 tỷ đồng so với năm 2015. Doanh số cho vay trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 3.416 tỷ đồng/104.188 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 38.544 lượt hộ nghèo, 11.307 lượt hộ cận nghèo, 7.683 lượt hộ mới thoát nghèo, 6.089 lượt hộ dân tộc thiểu số được vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tạo việc làm cho 6.071 lao động tại địa phương. Ngoài ra, còn có 21.046 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đảm bảo theo tiêu chuẩn được xây dựng, 1.324 nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được xây dựng...
Hội cựu chiến binh đóng góp quỹ cho hội viên vay không lãi trên 5,6 tỷ đồng để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Liên đoàn Lao động tỉnh phát động công nhân viên chức lao động trên địa bàn tỉnh chung tay ủng hộ, đồng thời kết nối các nhà từ thiện giúp đỡ xã nghèo, hộ nghèo như: xây dựng điểm trường, nhà công vụ, nhà văn hóa thôn, đường giao thông nông thôn, đồ dùng thiết yếu cho hộ nghèo với kinh phí trên 11 tỷ đồng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang triển khai Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo" thu được 13,98 tỷ đồng, tặng hơn 25.800 suất quà cho hộ nghèo và hộ bị thiên tai, hỗ trợ làm mới và sửa chữa được 186 nhà đại đoàn kết. Đặc biệt, 6 huyện nghèo của tỉnh tiếp tục vận động tốt các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho xã, thôn và hỗ trợ hộ nghèo; trong đó, riêng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nhận hơn 1 ngàn lao động của các địa phương này vào đào tạo nghề và làm việc với thu nhập cao, ổn định tại Tập đoàn…
Nhờ được hỗ trợ vay vốn, nhiều hộ nghèo đã có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó phải kể đến gia đình chị Hoàng Thị Đay ở tổ 3, thị trấn Việt Lâm (huyện Vị Xuyên) là một trong những hộ đã vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Được biết, năm 2011, gia đình chị Đay vay 20 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội mua 1 con trâu cái về nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Được cán bộ ngân hàng không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ chị hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn nhanh gọn mà còn hướng dẫn gia đình chị trồng cỏ làm thức ăn cho trâu và làm chuồng trại kiên cố để đảm bảo trâu luôn khỏe mạnh. Hiện, gia đình chị trồng được gần 2.000 m2 cỏ và luôn duy trì nuôi 2 con trâu sinh sản. Ngoài nuôi trâu, chị còn nuôi thêm dê, lợn, trồng lúa và chè Shan tuyết. Năm 2018, gia đình chị đã thoát khỏi diện hộ nghèo và hiện gia đình chị đã vươn lên hộ trung bình, kinh tế gia đình ngày càng ổn định, khá hơn.
Cũng như chị Hoàng Thị Đay, gia đình anh Lộc Văn Hoàn và chị Sùng Thị Mai cũng ở tổ 3, thị trấn Việt Lâm đã “gắn bó thân thiết” với Ngân hàng chính sách xã hội được 3 năm nay. Từ một hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn nhất nhì trong tổ dân phố, sau khi được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng, gia đình chị Mai đã đẩy mạnh phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Chị Sùng Thị Mai, cho biết: “Gia đình tôi có 5 khẩu, nhưng chỉ có 2 lao động chính là vợ chồng tôi. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào đồng ruộng nên rất khó khăn. Năm 2017, được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Vị Xuyên cho vay 30 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để gia đình mua 1 con trâu cái về nuôi sinh sản. Cùng đó, hai vợ chồng tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt để có thêm kiến thức trong phát triển sản xuất. Hiện, đàn trâu của gia đình đã có 3 con; thêm nữa, vợ chồng tôi còn trồng lúa, hoa màu và tranh thủ lúc nông nhàn đi làm thêm… Đến nay, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Có thể nói, nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua Ngân hàng chính sách xã hội ở Hà Giang đã khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm,thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên. Điều kiện kinh tế được cải thiện, ổn định trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần tích cực trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Thành phố Phổ Yên: Mặt trận Tổ quốc tăng cường giám sát rà soát hộ nghèo
29-11-2024 16:47 32
-
Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Hà Tĩnh
15-11-2024 16:47 26
-
Thuận Châu: Nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
04-11-2024 14:03 12
- Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 5: Hướng tới một xã hội hoà nhập thông qua lồng ghép giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ
- Đào tạo nghề, tạo sinh kế bền vững cho người sau cai nghiện ma túy
- Hỗ trợ người nghèo có việc làm, phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định ở huyện miền núi Định Hóa
-
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bình: Tấm lòng vàng trong công tác bảo tồn di sản và hoạt động từ thiện
28-11-2024 15:03 01
-
Quảng Trị: Ước tính đến hết năm 2024, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.595 nhà ở cho hộ nghèo tại huyện nghèo
28-11-2024 11:24 59
-
Lạng Sơn: Đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo
28-11-2024 08:45 34