Xã hội
Hà Giang tăng cường chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội
06:08 AM 03/07/2024
(LĐXH)- Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo tăng cường thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng cho đối tượng bảo trợ xã hội qua đơn vị cung cấp dịch vụ Bưu điện.
Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; Công văn số 5234/LĐTBXH-TTTT ngày 23/12/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 1829/QĐ-UBND ngày 20/9/2023 về việc phê duyệt Phương án thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ban hành Quyết định số 592/QĐ-UBND ngày 08/5/2024 về việc phê duyệt Phương án thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt (thay thế Quyết định số 1829/QĐ-UBND ngày 20/9/2023 của UBND tỉnh Hà Giang).
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu việc tổ chức triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt (qua tài khoản số, tại khoản ngân hàng của đối tượng hoặc người được ủy quyền nhận trợ cấp của đối tượng).
Tỉnh đặt mục tiêu tối thiểu đạt 80% tại các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang; tối thiểu đạt 60% đối với các huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê cho đối tượng hưởng chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện trên địa bàn tỉnh tỉnh Hà Giang.

Đối tượng bảo trợ xã hội kiểm tra tiền trợ cấp chuyển vào tài khoản

UBND tỉnh yêu cầu chỉ thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội qua tài khoản của đối tượng mở tại Ngân hàng và đơn vị cung cấp tài khoản nhận trợ cấp an sinh xã hội; không yêu cầu số dư tối thiểu trên tài khoản, miễn tất cả các khoản phí trên tài khoản thanh toán của đối tượng nhận trợ cấp an sinh xã hội và đảm bảo bố trí địa điểm giao dịch hoặc ủy quyền giao dịch thanh toán thường xuyên hàng ngày tại các xã, phường, thị trấn nơi đối tượng nhận trợ cấp an sinh xã hội cư trú.
Các huyện, thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng về lợi ích của việc không dùng tiền mặt qua các hình thức: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo, Đài phát thanh truyền hình, phát thanh của địa phương); trong các buổi họp tổ dân phố/thôn/bản.
Đặc biệt, các địa phương phải thông báo nội dung, đối tượng nhận trợ cấp qua tài khoản được miễn phí phát hành thẻ và sử dụng thẻ ATM tại ngân hàng. Qua đó, tạo sự đồng thuận, tăng dần tỷ lệ người dân mở tài khoản tiếp nhận trợ cấp không dùng tiền mặt trên địa bàn quản lý, đảm bảo thời gian và tỷ lệ chi trả không dùng tiền mặt được giao...
Theo số liệu tổng hợp, tính đến thời điểm trung tuần tháng 6/2024, toàn tỉnh thực hiện chi trả trợ cấp xã hội cho 53.593 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng. Từ tháng 01/2024 đến tháng 6/2024, các huyện, thành phố đã chi trả qua tài khoản cho 47.485 lượt đối tượng, với tổng số tiền hơn 28,36 tỷ đồng. Trong đó một số huyện, thành phố đạt tỷ lệ cao như: Bắc Quang (89,3%), thành phố Hà Giang (81,7%), Quang Bình (65,4%), Xín Mần (55,02%)...
Việc chi trả trợ cấp qua đơn vị cung cấp dịch vụ đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được nhận trợ cấp kịp thời và thuận lợi, đáp ứng nhu cầu chi tiêu phục vụ sinh hoạt hàng ngày của đối tượng. Đồng thời, đã khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong việc quản lý và thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng; từng bước thực hiện cải cách hành chính công, tách bạch việc chi trả trợ cấp xã hội ra khỏi lĩnh vực quản lý Nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện chế độ chính sách trợ giúp xã hội; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tình hình thực tế đối tượng và cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
Đơn vị được tỉnh lựa chọn cung cấp dịch vụ chi trả trợ cấp an sinh xã hội là cơ quan Bưu điện tỉnh Hà Giang (đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện cung cấp dịch vụ bưu chính công ích) với mạng lưới 199 điểm chi trả rộng khắp đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, chi trả trợ cấp an sinh xã hội cơ bản được thực hiện kịp thời, thuận tiện, đúng đối tượng; đảm bảo các yêu cầu của cơ quan quản lý về chi đúng, chi đủ, chi kịp thời cho người hưởng, đáp ứng các tiêu chuẩn của một đơn vị cung cấp dịch vụ chi trả chuyên nghiệp, tiết kiệm về thời gian và chi phí đi lại của đối tượng, tạo thuận lợi cho các đối tượng khi nhận và sử dụng tiền trợ cấp xã hội.
Qua đánh giá bước đầu, đơn vị cung cấp dịch vụ đã thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội đến đối tượng qua các hình thức: chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng; chi trả trợ cấp bằng tiền mặt cho một số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có hoàn cảnh đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật, người ốm đau dài ngày không đi lại được, địa bàn chưa có điểm giao dịch thường xuyên hàng ngày của hệ thống ngân hàng, chưa có cơ sở cung cấp dịch vụ không dùng tiền mặt.
Thời gian tới, Hà Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tăng cường thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng qua đơn vị cung cấp dịch vụ Bưu điện cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

                                                                                                                                                                                                                                                                     Ngọc Duy (Sở Lao động – TBXH Hà Giang)