Hà Giang tạo chuyển biến trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
(LĐXH)- Thời gian qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã và đang được người lao động, người sử dụng lao động tỉnh Hà Giang đón nhận một cách tích cực, tạo chuyển biến cả trong nhận thức lẫn hành động của người lao động và người sử dụng lao động.
Tỉnh Hà Giang có lực lượng lao động khá dồi dào và sung sức. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55,2%. Tỷ trọng lao động so với dân số chiếm tỷ lệ trên 61%, lao động có việc làm trên địa bàn tỉnh có 529.363 người, chiếm 99% so tổng lực lượng lao động (trong đó, lao động nam chiếm 50,43%, lao động nữ chiếm 49,57%). Tuyên nhiên, Hà Giang thuộc diện tỉnh nghèo của cả nước, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, trình độ của người lao động trong độ tuổi còn thấp, chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn còn cao…
Tình trạng thất nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người lao động mà còn tác động đến gia đình của họ. Người lao động, nhất là lực lượng lao động phổ thông và lao động trong khu vực phi chính thức mất việc làm đồng nghĩa với mất đi nguồn thu nhập chính yếu, nguồn tài chính tích lũy không có hoặc không đủ để duy trì sinh hoạt phí trong thời gian dài sẽ dần đến tình trạng không có đủ khả năng để đảm bảo mức sống tối thiểu cho gia đình.
Trong bối cảnh đó, tỉnh Hà Giang đã nỗ lực thực hiện chính sách BHTN để hỗ trợ lao động ổn định phần nào cuộc sống, giúp người thất nghiệp tìm việc làm mới và sớm quay lại thị trường lao động. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, sự hướng dẫn của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp phát triển, đẩy mạnh thông tin thị trường lao động, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin nhanh nhất. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính BHTN qua cổng dịch vụ công quốc gia; phối hợp trong giải quyết chính sách BHTN, giảm thiểu văn bản hành chính, chi phí đi lại, giảm thiểu phát sinh thu hồi trợ cấp thất nghiệp; chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các cơ sở đào tạo nghề để tư vấn, định hướng cho lao động thất nghiệp tham gia học nghề, chuyển đổi nghề…
Trong đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Lựa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang, cho biết: Để tạo thuận lợi trong việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ BHTN cũng như tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, Trung tâm đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong việc giải quyết chính sách về BHTN. Mọi tài liệu liên quan đến từng hồ sơ, tiến độ giải quyết được cập nhật đầy đủ và phân cấp quản lý rõ ràng trên hệ thống điều hành. Khi đến nộp hồ sơ, người lao động được cán bộ hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục cần thiết, bảo đảm các giấy tờ liên quan đúng, đủ so với quy định để làm căn cứ đề nghị giải quyết trợ cấp BHTN, giúp đối tượng thụ hưởng không phải mất công đi lại nhiều lần.
Đối với việc tiếp nhận và giải quyết chế độ chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm tiếp tục duy trì hình thức nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trụ sở chính ở thành phố Hà Giang và 03 Văn phòng cụm huyện là Yên Minh, Bắc Quang và Hoàng Su Phì; cơ sở vật chật của các Văn phòng đáp ứng cơ bản yêu cầu được giao.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (sinh năm 1996), ở tổ 7, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) làm việc tại Công ty TNHH Bảo Sơn (xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang) đến Trung tâm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp vào ngày 12/6/2023, chia sẻ: Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, tôi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Giang đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và được hướng dẫn giải quyết mọi thủ tục một cách thuận lợi; được tư vấn, giới thiệu việc làm tận tình, chu đáo.
Không chỉ tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động nói chung, lao động thất nghiệp nói riêng cũng được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Giang quan tâm chú trọng thực hiện. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã tổ chức 135 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, định hướng nghề nghiệp tại các xã, cụm xã với 9.146 người, đạt 79,5% kế hoạch, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó giới thiệu việc làm thành công 302 người, đạt 27,5% kế hoạch, giảm 72,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bùi Văn Lựa, nhấn mạnh: Nhiều năm qua, Hà Giang đã xác định chính sách BHTN là một trong những chính sách an sinh xã hội lớn, nhằm thay thế hoặc bù đắp một phần nguồn thu nhập bị mất của người lao động khi họ mất việc làm. Chính vì vậy, cùng với việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm còn chú trọng hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và tạo điều kiện cho lao động thất nghiệp sớm có cơ hội quay trở lại thị trường lao động…
Chí Tâm
Từ khóa:
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
Thái Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động
11-11-2024 11:03 25
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48
-
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
03-10-2024 15:25 42
-
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
26-07-2024 12:46 25