Xã hội
Hà Nam gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"
10:49 AM 16/12/2020
(LĐXH)- Nhiều năm qua, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam luôn quan tâm tới các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân người có công với cách mạng bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.
Từ một tỉnh nghèo, kinh tế thuần nông, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp chiếm gần 50% GDP, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, Hà Nam đã dần trở thành một tỉnh phát triển năng động. Kinh tế tăng trưởng nhanh, bình quân đạt trên 11%/năm. Năm 2020, cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng đạt 63%, dịch vụ 27,5%, nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 9,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 66,6 triệu đồng. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 đạt 38.337 tỷ đồng, gấp 2,8 lần  so với giai đoạn 2011 - 2015, tăng bình quân 23, 6% /năm. Năm 2020, thu ngân sách ước đạt 10.000 tỷ đồng, gấp hơn 62 lần năm 1997.
Chi trả kinh phí hỗ trợ người có công gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tại huyện Lý Nhân (Hà Nam)
Vững bước trên con đường đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, những năm qua, tỉnh Hà Nam luôn đoàn kết đổi mới, phát triển để xứng đáng với truyền thống đất anh hùng. Đặc biệt, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân người có công với cách mạng luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh chú trọng thực hiện với những việc làm cụ thể và thiết thực để hỗ trợ về mặt vật chất, cũng như tinh thần cho các gia đình thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước; thường xuyên chăm lo, động viên, tạo điều kiện cho các thương, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế. Hoạt động này đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của chính quyền địa phương và nhân dân Hà Nam đối với các các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công; qua đó, giúp các đối tượng giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương, đất nước.
Cùng với hệ thống chính sách chế độ của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền ở Hà Nam thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ được quan tâm với trách nhiệm và tình cảm, sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả thông qua các chương trình tình nghĩa như: phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vật liệu để xây nhà ở; chăm sóc phụng dưỡng các "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng, sửa chữa nâng cấp các hạng mục nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ; tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ vào nghĩa trang liệt sỹ; dành kinh phí tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ, thăm hỏi động viên vào các dịp lễ, tết…
Chỉ tính riêng trong năm 2020, Hà Nam đã chuyển quà của Chủ tịch nước tặng cho 28.760 người có công với số tiền gần 6 tỷ đồng, quà của UBND tỉnh tặng trị giá hơn 18 tỷ đồng; quà của UBND các huyện, thị xã, thành phố tặng người có công là 757,3 triệu đồng; quà của UBND các xã, thị trấn là 957,9 triệu đồng; quà từ các hội, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tặng cho người nghèo, người có công và các đối tượng khác với tổng số tiền 15,449 tỷ đồng. Riêng dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh – liệt sĩ, Hà Nam đã chuyển quà tặng của Chủ tịch nước cho 28.382 người có công với số tiền 5,835 tỷ đồng, quà của tỉnh tặng cho 28.988 người có công với trị giá hơn 17,565 tỷ đồng…
Hỗ trợ kinh phí cho người có công tại phường Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam)
Bên cạnh đó, việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng được các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện kịp thời, đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Kết quả trong năm 2020, Hà Nam đã tổ chức xét duyệt 7.500 hồ sơ người có công các loại, giải quyết mai táng phí, điều chỉnh trợ cấp… cho đối tượng người có công được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước theo đúng quy định; tổ chức điều dưỡng cho 8.106 người có công với tổng kinh phí gần 15,297 tỷ đồng, trong đó điều dưỡng dã ngoại được 2.383 lượt người; trao tặng 50 xe lăn cho đối tượng người có công trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố do tổ chức IM Japan hỗ trợ...
Phát huy kết quả đạt được, trong những năm tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ngành, các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, người tham gia kháng chiến. Đảm bảo người có công được thụ hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi xã hội, có đời sống vật chất, tinh thần khá hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương. Mở rộng, xã hội hóa việc thực hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tăng cường các hoạt động chăm sóc và tạo mọi điều kiện thuận lợi để gia đình người có công tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Chí Tâm

Từ khóa: