Lao động
Hà Nội: 6 tháng đầu năm, giải quyết việc làm cho trên 113 nghìn lao động
03:46 PM 24/07/2023
(LĐXH)- Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo việc làm mới cho người lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 113.418/162.000 lao động, đạt 70% KH giao trong năm.
Trong đó: tạo việc làm cho 28.000 lao động từ xét duyệt hộ gia đình vay vốn từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hà Nội với số tiền khoảng 1.400 tỷ đồng (theo KH số 21/KH-UBND ngày 12/01/2023, mục tiêu trong 6 tháng đầu năm 2023 phấn đấu từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm cho 21.100 lao động với số tiền 1.265 tỷ đồng. Như vậy, đến nay, giải pháp cho vay vốn để giải quyết việc làm cho người lao động đã vượt chỉ tiêu thực hiện cả năm 2023); đưa 2.300 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc; giải quyết việc làm cho 8.805 lao động thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm; tự tạo việc làm và qua tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn Thành phố là 74.313 lao động.
Người lao động tư vấn tìm việc tại các phiên giao dịch việc làm thành phố
Số lao động được tạo việc làm mới trong 6 tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 4,5%). Do sự tác động từ cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước cao… dẫn đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn. Thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có thể kéo dài sang năm 2024, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành Dệt may, Da giày, Điện tử, Chế biến gỗ... Vì vậy, các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng. Việc cắt giảm nhân công cũng là giải pháp duy trì của một số doanh nghiệp hiện nay. Hơn nữa, theo báo cáo của Cục Thống kê, 6 tháng đầu năm trên địa bàn Thành phố có số doanh nghiệp đăng ký giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 22% về số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động,... Chính những nguyên nhân đó dẫn đến giảm số việc làm mới trong các tháng đầu năm 2023.
Sở Lao động – TBXH đã tham mưu UBND Thành phố ban hành và triển khai công tác giải quyết việc làm và an toàn lao động năm 2023. Ban hành kế hoạch và hướng dẫn các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức điều tra thu thập thông tin về lao động việc làm; đồng thời phối hợp các sở ngành liên quan đánh giá tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tại 5 huyện để triển khai thực hiện Đề án xây dựng huyện thành quận.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 124 phiên giao dịch việc làm (trong đó, có 01 phiên lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật; 04 phiên online kết nối với các tỉnh) với 3.635 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 60.034 người; tổng số lao động được phỏng vấn là 25.092 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là 8.805 lao động. Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, ra quyết định hưởng trợ cấp BHTN cho 40.097 trường hợp với số tiền 1.079 tỷ đồng; tư vấn giải quyết việc làm cho 40.097 trường hợp; hỗ trợ học nghề cho 574 trường hợp với số tiền hỗ trợ học nghề là 2,55 tỷ đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Sở Lao động – TBXH đã thẩm duyệt, chấp thuận vị trí việc làm của người nước ngoài lao động tại Việt Nam cho 3.830 lượt doanh nghiệp với 5.317 vị trí. Cấp mới 4.886 giấy phép; cấp lại 425 giấy phép; gia hạn 750 giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; xác nhận 302 trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Sở cũng đã ban hành văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài trên địa bàn Thành phố khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến người lao động nước ngoài cần thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Trong công tác Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở đã tham mưu UBND Thành phố kiện toàn Hội đồng trọng tài lao động. Xây dựng Kế hoạch của UBND Thành phố về tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động năm 2023 và Quy chế hoạt động Hội đồng trọng tài lao động Thành phố. Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển quan hệ lao động thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 theo QĐ số 3374/QĐ-UBND ngày 13/7/2021 của UBND Thành phố.
Tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 04/CTr-LĐTBXH-LĐLĐ ngày 09/3/2021 giữa Sở Lao động TB&XH và Liên đoàn Lao động Thành phố. Xây dựng kế hoạch và tổ chức 08 hội nghị phổ biến, trang bị kiến thức pháp luật về lao động cho 2.400 sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp tham gia thị trường lao động trên địa bàn Thành phố năm 2023. Triển khai rà soát, nắm bắt tình hình áp dụng mức lương tối thiểu trên địa bàn Thành phố theo chỉ đạo của Bộ Lao động- TB&XH.
Đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện quyết toán tiền lương năm 2022, kế hoạch năm 2023 và thực hiện xếp hạng lại doanh nghiệp theo quy định; đôn đốc các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường chức năng quản lý nhà nước về công tác lao động, tiền lương, BHXH trên địa bàn. Tiếp nhận, thẩm định, cấp 06 giấy phép, thu hồi 04 giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động đối với 10 doanh nghiệp. Xem xét, hướng dẫn và ra thông báo đăng ký 524 bản Nội quy lao động; tiếp nhận 211 bản Thỏa ước lao động tập thể.
Tuy nhiên, bên cạnh đó việc thực hiện chính sách lao động, việc làm trên địa bàn Thủ đô còn một số khó khăn như nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm trên địa bàn rất lớn, trong khi nguồn vốn cho vay chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người dân. Hậu quả của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động hoặc hoạt động cầm chừng, từ đó tình trạng người lao động đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp có chiều hướng gia tăng.
Trong 6 tháng cuối năm, Sở Lao động – TBXH tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thu thập thông tin thị trường lao động năm 2023. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về nhu cầu tìm việc, học nghề, xuất khẩu lao động của người lao động qua các hình thức; định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm. Tổ chức tập huấn công tác an toàn, vệ sinh lao động cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn theo kế hoạch. Triển khai thực hiện Kế hoạch tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động năm 2023 và tổ chức hội nghị ra mắt Hội đồng trọng tài Thành phố.
Bàn giao Phiếu điều tra về lao động, tiền lương trong doanh nghiệp năm 2023 tại 900 doanh nghiệp về Bộ Lao động- TBXH. Tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động -TBXH, UBND Thành phố về tình hình thực hiện mức lương tối thiểu trên địa bàn Thành phố.
Tổ chức 01 lớp tập huấn về quan hệ lao động cho cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về lao động, trọng tài viên, hòa giải viên; tổ chức chức 02 hội nghị tuyên truyền, phổ biến về chính sách pháp luật lao động, kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể cho người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp. Phối hợp Đài phát thanh Truyền hình xây dựng, phát sóng 04 chương trình hỏi đáp chính sách pháp luật lao động; 05 trailer tuyên truyền chính sách pháp luật lao động, luật BHXH.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển quan hệ lao động; tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, quan hệ lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Phối hợp triển khai các giải pháp đồng bộ để giảm nợ BHXH, mở rộng diện bao phủ, phát triển đối tượng tham gia BHXH./.
Hồng Phượng
 
 
Từ khóa: