Xã hội
Hà Nội hiện là “điểm sáng” trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
02:39 PM 14/10/2024
(LĐXH)-Theo lãnh đạo Chi cục Dân số Hà Nội, Hà Nội có điểm sáng là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở. Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình và xã hội.
Theo ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số - Bộ Y tế, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng tăng nhưng sức khoẻ của người cao tuổi (NCT) nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Trung bình 1 NCT mắc 3 bệnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khoẻ chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của NCT. Vì vậy, chăm sóc sức khỏe NCT là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe NCT, theo ông Lê Thanh Dũng, cần sự tập trung, nỗ lực nhiều hơn nữa của toàn bộ hệ thống chính trị theo một định hướng, mục tiêu thống nhất cùng với các giải pháp đồng bộ. Điều này nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật về NCT. Bảo đảm cho mọi người cao tuổi được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng ngày càng cao.
Hà Nội riển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Theo báo cáo của Chi cục Dân số Hà Nội, từ năm 2011, Hà Nội cùng với cả nước chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số”. Đến tháng 6/2024, số lượng NCT của Hà Nội đã xấp xỉ 1,4 triệu người, đạt tỷ lệ 16%. Dự báo, dân số Hà Nội sẽ bước vào giai đoạn “dân số già” trong 10 năm tới.
TS Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, Việt Nam có khoảng 12,56 triệu NCT (từ 60 tuổi trở lên), chiếm tỷ lệ 12% dân số. Dự báo đến năm 2049, tỷ lệ NCT sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức cứ 4 người dân sẽ có một NCT.

Chăm sóc người cao tuổi tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương

Với riêng Hà Nội, đến hết năm 2023, tỷ lệ NCT đã chiếm trên 15% dân số và đang tiếp tục là địa phương có tốc độ già hóa dân số nhanh. Do đó, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe NCT.
TS Vũ Duy Hưng cho biết, NCT luôn là một trong những nhóm đối tượng được thành phố đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, các hoạt động hướng đến chăm sóc sức khỏe NCT luôn được chú trọng như: Tạo môi trường đồng thuận toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc NCT; tăng cường các cơ sở y tế để ngày càng đáp ứng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT; tăng cường năng lực cán bộ y tế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT…
Tuổi thọ bình quân của người dân Hà Nội hiện nay là 76,1 (cao hơn tuổi thọ bình quân của cả nước là 1,6 tuổi); trong đó bình quân NCT nam là 73,5 và bình quân NCT nữ là 78,9).
Đa dạng các mô hình chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi
Hàng năm, Chi cục Dân số Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã đẩy mạnh các đợt chăm sóc sức khỏe NCT. Điều này cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương trong toàn Thành phố đến sức khỏe NCT, qua đó, giúp họ được tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện toàn Hà Nội đã triển khai thực hiện 42 mô hình chăm sóc NCT ở cộng đồng; 40 câu lạc bộ NCT tự chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ khám sức khỏe định kỳ cho NCT xấp xỉ 90%... Các mô hình triển khai và đưa ra các giải pháp can thiệp nhằm nâng cao vị thế NCT, nâng cao trách nhiệm các tổ chức và cộng đồng đối với NCT; phát huy vai trò của NCT trong việc vận động gia đình thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ, phòng chống các tệ nạn xã hội; triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ chăm sóc NCT ở cộng đồng và nâng cao tỷ lệ NCT sinh sống trên địa bàn được tiếp cận các thông tin tư vấn và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần từng bước cải thiện chất lượng dân số…

Người cao tuổi tại xã Ngọc Hoà, huyện Quốc Oai tập luyện chăm sóc sức khoẻ theo Mô hình Tsuyama của Nhật Bản

Chi cục Dân số Hà Nội cũng đã xây dựng Kế hoạch đào tạo kiến thức, kỹ năng về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, theo sức khỏe NCT cho bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ thực hiện tại các Trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn Thành phố. Nhiều quận, huyện duy trì đều đặn hàng năm như: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… Cấp xã, phường tập trung quan tâm đến việc động viên chăm sóc NCT vào các dịp ngày NCT  Việt Nam, ngày quốc tế NCT hoặc các dịp lễ Tết…, phấn đấu ít nhất 90% số NCT được khám sức khỏe thông thường định kỳ ít nhất một lần trở lên/năm, sàng lọc một số ung thư sớm thường gặp cho NCT; lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe tại Trạm y tế tuyến xã…
Các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai, duy trì mô hình chăm sức khỏe NCT tại cộng đồng năm 2024 và các câu lạc bộ tự chăm sóc sức khỏe NCT, thực hiện khám sức khỏe cho NCT tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Tại huyện Quốc Oai, xã Ngọc Mỹ là địa phương duy nhất của huyện thực hiện thí điểm Dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe NCT áp dụng mô hình Tsuyama” giai đoạn 2022 - 2024. Hiện, toàn xã Ngọc Mỹ hiện có 2.353 NCT, trong đó có 1.424 người trên 60 tuổi. Xã Ngọc Mỹ đã lựa chọn được 900 NCT đủ điều kiện, tự nguyện tham gia luyện tập bài thể dục tránh ngã tại các tổ dân phố.
Tại các điểm tập, dự án đã hỗ trợ 22 máy đo huyết áp và nhiệt kế điện tử; 600 bộ tạ tập tay, 600 bộ tạ tập chân để NCT tham gia luyện tập thường xuyên. Dự án đã triển khai bài tập tránh ngã tại 22 điểm tập với 66 người tham gia làm huấn luyện viên tình nguyện.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ Đinh Huy Thông, trong 8 tháng đầu năm 2024, mô hình Tsuyama tại xã Ngọc Mỹ đã tổ chức được 580 buổi luyện tập bài thể dục tránh ngã tại 20/22 điểm tập, thu hút 2.360 lượt người tham gia tập luyện, với thời lượng trung bình từ 50-60 phút/ buổi. Các điểm tập luyện duy trì từ 1 đến 2 lần/ tuần. Mô hình đã tạo môi trường thuận lợi, tích cực cho NCT tham gia luyện tập bài thể dục tránh ngã tại các điểm tập do dự án JICA tài trợ.
“Kết quả bước đầu của dự án góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe NCT. NCT có cơ hội được nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, được tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ Đinh Huy Thông nhấn mạnh.
Mô hình Tsuyama của Nhật Bản cũng được triển khai tại quận Long Biên, Hà Nội và phát huy hiệu quả tích cực. 11 điểm luyện tập của các tổ dân phố đã tổ chức 210 buổi luyện tập bài thể dục tránh ngã với 4.250 lượt người tham gia…
Mỹ Hạnh