Hà Nội: Phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững
(LĐXH)- Qua 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội và đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn Hà Nội.
Chiều ngày 9/7/2024, Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Theo báo cáo, kết quả đạt được qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn thành phố Hà Nội đã khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá để tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đề ra.
Hiện nay, toàn Thành phố đang quản lý và triển khai thực hiện cho vay 19 chương trình tín dụng chính sách; doanh số cho vay 10 năm giai đoạn 2015 đến 30/4/2024 là 38.759 tỷ đồng với 1.031.013 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, doanh số thu nợ đạt 28.078 tỷ đồng, tổng dư nợ 19 chương trình tín dụng đến 30/4/2024 đạt 15.397 tỷ đồng với 272.412 khách hàng đang vay vốn, tăng 10.676 tỷ đồng so với đầu năm 2014.
Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù của Hà Nội, đồng thời bố trí vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện. Cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, hàng năm HĐND, UBND các cấp đã quan tâm bố trí ngân sách chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến 30/4/2024 tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh NHCSXH Thành phố Hà Nội đạt 15.452 tỷ đồng, tăng 10.715 tỷ đồng (226%) so với năm 2014; trong đó: Nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH là 8.713 tỷ đồng, tăng 7.616 tỷ đồng (694%) so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 56% trên tổng nguồn vốn cho vay.
Việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đặc biệt là chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn Thành phố; bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố.
Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thành phố giảm trong từng giai đoạn: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Thành phố giảm từ 3,64% xuống còn 0,21% (giai đoạn 2016-2021) và từ 0,16% xuống còn 0,03% thời điểm cuối năm 2023 (giai đoạn 2022-2024).
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy điều hành Thành ủy Hà Nội đề nghị: Các cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện HĐQT, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, các Sở, ban, ngành và Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội Tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của thành phố Hà Nội về tín dụng chính sách xã hội, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
UBND Thành phố trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách của Thành phố hằng năm, tiếp tục nghiên cứu chuyển một phần ngân sách sang chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội Thành phố cho người dân vay vốn.
Các cấp, các ngành, các tổ chức và đơn vị có liên quan chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế với việc triển khai tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đồng thời, quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi với nhiều hình thức để thông tin đến được với mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, giúp người dân hiểu và tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi nếu có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Coi việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, lâu dài để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội
cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; đề xuất từng bước mở rộng đối tượng vay vốn ngân hàng chính sách xã hội; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả./.
Thảo Lan
Từ khóa:
Chỉ thị số 40-CT/TW
-
Hiệp hội Thể thao Công an nhân dân Việt Nam làm việc với Sở Văn hóa thành phố Mimasaka (Nhật Bản)
14-10-2024 13:59 22
-
Tăng khẩu phần ăn, hỗ trợ học bổng cho gần 1.000 trẻ em ở tỉnh Phú Yên
09-10-2024 14:18 46
-
Trường Mầm non Định Công tổ chức Hội thi “Triển lãm tranh ảnh, mô hình về danh lam thắng cảnh của Hà Nội”
14-10-2024 09:40 01
-
Huyện Xín Mần: Nỗ lực cải thiện nhà ở cho hộ nghèo
30-09-2024 15:43 35
-
TPHCM: Hơn 120 đại biểu dự tập huấn công tác tiếp nhận và nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội
10-10-2024 16:03 13
-
Xúc động nghĩa cử của Công ty Hoa quả Phương Toản với gia đình thương binh ở Thanh Hóa
10-10-2024 15:57 09