Cùng với đó là xây dựng các giải pháp nhằm đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo chương trình chất lượng cao đối với các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Bộ Lao động - TBXH. Thống kê hiện nay, trên địa bàn thành phố có 362 đơn vị hoạt động giáo dục nghề nghiệp (giảm 08 đơn vị so với thời điểm tháng 12/2019). Trong năm 2020, các đơn vị có hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được 215.382/210.0000 người, đạt 102,6% kế hoạch (trong đó, trình độ cao đẳng 23.762 người; trung cấp 26.477 người; sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 165.143 người). Công tác tuyển sinh, đào tạo nghề của Hà Nội chiếm 9,45% tổng số tuyển sinh và đào tạo trong cả nước. Thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các trường dạy nghề trên địa bàn, trong năm, Sở Lao động - TBXH và Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu thành phố hoàn thiện “Đề án sắp xếp 21 trường trung cấp, cao đẳng công lập thuộc Thành phố” theo hướng dẫn của Bộ Lao động- TBXH.
Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020. Các Phòng Lao động - TBXH đã tham mưu cho UBND huyện, thị xã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, ban hành Kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Tính đến cuối năm, các huyện, thị xã đã phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức 269 lớp với 9.259/13.100 lao động nông thôn được đào tạo nghề trình độ sơ cấp (trong đó, nghề nông nghiệp 184 lớp với 6.329 người; nghề phi nông nghiệp 85 lớp với 2.930 người), đạt 70,7% KH được giao.
Về đào tạo nghề cho thanh niên, Sở Lao động- TBXH đã giao chỉ tiêu và nhiệm vụ đào tạo cho 8 Trường Trung cấp thuộc Sở. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai. Tính đến cuối năm, mới chỉ có Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội tuyển sinh và đào tạo được 58 thanh niên, tập trung vào 02 nghề: đào tạo lái xe và công nghệ ô tô.
Thực hiện Kế hoạch 161/KH-UBND ngày 10/10/2013 của UBND Thành phố thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 – 2020. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, công tác tuyển sinh, thủ tục mở lớp dạy nghề cho người khuyết tật gặp nhiếu khó khăn, chỉ có Trường Trung cấp nghề nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội tuyển sinh và tổ chức đào tạo cho 59 học viên là người khuyết tật.
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối kỳ đạt 70,25% (cao hơn 2,74 điểm phần trăm so với năm 2019 và cao hơn 5,75 điểm phần trăm so với cả nước), đạt mục tiêu HĐND Thành phố đặt ra cho năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.
Trong năm, nhiều sự kiện lớn cũng được Sở tham mưu UBND Thành phố tổ chức thành công, như: tổ chức thành công Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp Thành phố năm 2020; phối hợp Bộ Lao động- TBXH tổ chức thành công Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020. Đoàn thí sinh Hà Nội tham dự và đã đoạt giải Nhất toàn đoàn với 23 giải Nhất, 7 giải Nhì, 9 giải Ba và 5 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.
Công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp đã được triển khai rất tích cực với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác với doanh nghiệp đã tăng lên. Năm 2020 có hơn 800 doanh nghiệp hợp tác với các sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố với các nội dung. Trong công tác hợp tác với doanh nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố có nhiều đơn vị thực hiện có hiệu quả và gắn kết với các đối tác bền vững.
Đối với 21 trường cao đẳng, trường trung cấp thuộc Thành phố: 100% các đơn vị thực hiện đào tạo gắn với doanh nghiệp và hầu hết học sinh ra trường có việc làm sau khi tốt nghiệp (đạt tỷ lệ 90%), nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, nghề Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử với mức lương khởi điểm là 6-8 triệu đồng/tháng.
Theo đánh giá của Sở Lao động - TBXH thành phố Hà Nội, năm 2020 là năm khép lại chặng đường 10 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên đến nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa thực sự gắn với đào tạo tại các doanh nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hoá tập trung, vùng có dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới; chất lượng đào tạo chưa như mong muốn... nên tỷ lệ lao động được doanh nghiệp tuyển dụng sau học nghề còn thấp. Để thực hiện mục tiêu trong năm 2021 là tuyển mới đào tạo nghề cho 220.500 lượt người, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng đầu ra; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đẩy mạnh phát triển kỹ năng nghề theo hướng chuẩn hóa, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, hội nhập quốc tế theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia gắn với công tác dự báo nhu cầu kỹ năng theo thị trường và phát triển bền vững. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề. Đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập./.
Hồng Phượng
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06
-
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
08-11-2024 12:50 35
-
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
08-11-2024 10:45 47