Xã hội
Hải Phòng: Chú trọng chăm sóc sức khoẻ người có công
08:18 AM 25/07/2024
(LĐXH)- Trong quá trình triển khai thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thành phố Hải Phòng rất coi trọng công tác chăm sóc sức khoẻ các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và đối tượng chính sách người có công với cách mạng khác.
Hải Phòng là địa phương giàu truyền thống cách mạng, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thành phố có trên 220.000 người được công nhận là người có công với cách mạng, trong đó có 2.694 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 368 cán bộ lão thành cách mạng, 550 cán bộ tiền khởi nghĩa, 30.384 liệt sĩ, 25.085 thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, 8.545 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học. Có khoảng 28.000 người có công đang hưởng trợ cấp thường xuyên.
Thể hiện sự trân trọng, lòng biết ơn đối với những người đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, lãnh đạo thành phố Hải Phòng luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, trong đó có việc chăm sóc tận tình, chu đáo sức khỏe người có công. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực bởi những người có công đa số tuổi đã cao, là thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học mang trong người những vết thương chiến tranh, bị nhiều bệnh mãn tính.
Khám, tư vấn chăm sóc sức khoẻ cho người có công.
Từ năm 2022 đến tháng 6 năm 2024, thành phố đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 286.102 lượt người có công; tổ chức điều dưỡng cho 25.514 lượt người; trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho 1.575 lượt người.
Hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đều xây dựng kế hoạch tổ chức điều dưỡng, đảm bảo tất cả người có công đủ điều kiện, đủ sức khoẻ và có nhu cầu đều được hưởng chế độ điều dưỡng theo qui định.
Theo Kế hoạch tổ chức điều dưỡng người có công với cách mạng năm 2024, Hải Phòng dự kiến có 6.886 người đủ điều kiện điều dưỡng (bao gồm điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình) theo quy định với kinh phí gần 17,8 tỷ đồng. Theo kế hoạch, từ ngày 18/3/2024 đến 19/10/2024, thành phố sẽ tổ chức 21 đợt điều dưỡng tập trung cho 2.730 người có công với kinh phí gần 10,1 tỷ đồng và cấp phát kinh phí điều dưỡng tại gia đình cho 4.156 người với tổng số tiền gần 7,7 tỷ đồng.
Trung tâm Điều dưỡng người có công Hải Phòng thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tọa lạc tại Khu I, Hải Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng, được thành lập ngày 30/4/2004 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2005. Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận, đưa đón và thực hiện điều dưỡng, chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho các đối tượng theo qui định của pháp luật ưu đãi người có công.
Hiện Trung tâm có 28 cán bộ, viên chức, người lao động. Trong những năm qua, các cán bộ, nhân viên Trung tâm đã không ngừng nỗ lực, nâng cao trình độ chuyên môn, khắc phục những khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, không ngừng đúc rút kinh nghiệm, xây dựng, hoàn thiện quy trình điều dưỡng với nhiều đổi mới tích cực, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và nhu cầu của người có công đến điều dưỡng. Trong quá trình điều dưỡng tập trung tại Trung tâm, người có công được chăm lo từ bữa ăn tới giấc ngủ, tham gia các sinh hoạt tập thể, văn nghệ, thể thao để vừa nâng cao sức khỏe, vừa sảng khoái tinh thần. Chính vì vậy, tất cả những người có công đã từng đến điều dưỡng tại đây đều có ấn tượng tốt đẹp, có khoảng thời gian thực sự vui vẻ, thoải mái.
Sự quan tâm, chăm sóc sức khoẻ thể chất, tinh thần người có công không chỉ được thể hiện khi điều dưỡng tập trung, mà ngoài cộng đồng, tấm lòng tri ân, chăm sóc người có công của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố cũng được thể hiện thường xuyên, liên tục. Vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, ngày Quốc khánh 2/9…, hằng năm, các ngành, đơn vị, địa phương phối hợp với các bệnh viện, cơ sở y tế tổ chức khám tổng thể, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho hàng vạn lượt người có công từ cấp cơ sở. Việc đưa chương trình khám bệnh cho đối tượng chính sách về tận cơ sở giúp cho nhiều người có cơ hội khám bệnh, hiểu đúng về tình trạng sức khỏe của bản thân, biết cách luyện tập, chăm sóc phù hợp, từ đó sức khoẻ ổn định và ngày càng được cải thiện./.
Thảo Lan