Xã hội
Hải Phòng quan tâm chăm lo đời sống người có công với cách mạng
09:41 AM 10/11/2020
(LĐXH)- Cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng luôn xác định công tác thương binh, liệt sĩ và người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã tập trung chỉ đạo thực hiện bằng những hoạt động cụ thể và thiết thực.
Bà Nguyễn Thị Sửu là vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh trú tại phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền phấn khởi cho biết: Như đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), các đoàn lãnh đạo thành phố lại đến thăm hỏi sức khỏe, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống và bày tỏ sự biết ơn trước những cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng đối với các cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
"Việc quan tâm đến các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Sự tri ân thường xuyên đó đã giúp các gia đình chính sách, người có công tiếp tục chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội" – bà Nguyễn Thị Sửu, chia sẻ.
Lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng thăm hỏi, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng
Được biết, song song với các chủ trương, chính sách của Nhà nước, những năm qua để kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách đối với gia đình người có công với cách mạng, Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện trên lĩnh vực người có công. Đặc biệt, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác này, ngành Lao động – TBXH Hải Phòng đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về thủ tục hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng theo quy định và văn bản, xác nhận, trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ… về chính sách người có công cũng như trả lời qua kênh thông tin liên lạc trực tiếp cho cá nhân, tổ chức, rút ngắn thời gian giải quyết các vướng mắc, kiến nghị, đề xuất cho đối tượng.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, cho biết: Công tác thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình chính sách, người có công là hoạt động thường niên thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng. Thành phố luôn ghi nhớ công ơn trời biển của các anh hùng liệt sĩ, con em Hải Phòng đã chiến đấu, hy sinh xương máu để giành độc lập, tự do cho đất nước, cho thành phố. Thế hệ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ, khắc sâu những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, từ đó tiếp bước truyền thống, phấn đấu không ngừng xây dựng và phát triển đất nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng, để thành phố Hải Phòng phát triển nhanh, bền vững.
Những chăm lo, ưu đãi của thành phố không chỉ là việc tặng quà gia đình chính sách, người có công dịp lễ, tết, dịp 27/7 năm sau luôn cao hơn năm trước, mà Hải Phòng còn có những chính sách, giải pháp căn cơ cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công. Ngoài tiền hỗ trợ của Trung ương về xây, sửa nhà ở, Hải Phòng có nghị quyết hỗ trợ gia đình người có công vật liệu xây dựng gạch, xi măng, các đoàn thể, hội, doanh nghiệp, địa phương vào cuộc, huy động xã hội hóa tiếp thêm nguồn lực tặng các gia đình chính sách xây, sửa nhà. Nhờ vậy, trong 5 năm (2015 – 2020), toàn thành phố có hàng vạn ngôi nhà của người có công được xây mới, sửa chữa, cải thiện điều kiện ăn ở của các gia đình. Công tác giám định người nghi nhiễm chất độc hóa học, giải quyết hồ sơ công nhận liệt sĩ, điều dưỡng sức khỏe… cũng được đẩy nhanh, làm mạnh, không để tồn đọng trường hợp nào đủ điều kiện công nhận mà không được xem xét, chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đến nay, 100% gia đình chính sách, người có công ở Hải Phòng có mức sống bằng và cao hơn mức sống của nhân dân nơi cư trú.
Phát huy những kết quả đạt được, từ nay đến cuối năm 2020 và những năm tiếp theo, thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công, tập trung giải quyết cơ bản những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách ưu đãi để bảo đảm các đối tượng được thụ hưởng một cách tối đa. Trong đó, tập trung giải quyết tốt chế độ người trực tiếp tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; giải quyết chế độ ưu đãi đối với bà mẹ Việt Nam anh hùng; Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 và Quyết định 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ thanh niên xung phong; Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 04/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng.... Đồng thời, mở rộng, xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và tạo mọi điều kiện thuận lợi để gia đình người có công tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Chí Tâm

 

Từ khóa: