Xã hội
Quảng Ninh tăng cường chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn dựa vào cộng đồng
03:47 PM 19/12/2016
(LĐXH)- Nhằm giúp trẻ hòa nhập cộng đồng, dựa vào các nguồn lực trong xã hội để nuôi dạy các em, mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Quảng Ninh đã mang lại hiệu ứng xã hội tích cực.

 Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tập huấn kiến thức dạy trẻ

tại gia đình cho đại diện các gia đình nhận nuôi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

Thực hiện Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, nhiễm HIV/AIDS, là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng, Quảng Ninh đã có những hành động thiết thực, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân vào công tác chăm sóc, trợ giúp những trẻ em không may mắn trên địa bàn tỉnh. Các địa phương trong tỉnh cũng đã chú trọng phát triển các hình thức chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống của trẻ.
Ông Đặng Hữu Bình, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong năm 2016, đơn vị tiếp tục duy trì hoạt động Mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn đối với 30 trẻ và 30 gia đình nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và thị xã Quảng Yên với hoạt động hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng hàng tháng, kinh phí mua sắm quần áo, sách vở... nhằm giảm bớt khó khăn cho trẻ và gia đình. Qua quá trình triển khai thực hiện, Trung tâm đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất việc hoạch định, xây dựng kế hoạch thực hiện kịp thời, cụ thể. Qua đó, thiết lập được Quy trình chăm nuôi, đồng thời xây dựng được một đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ cá nhân, gia đình nhận nuôi có kỹ năng, kiến thức chăm nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, công tác quản lý trường hợp, kiểm tra, giám sát cũng được Trung tâm chú trọng triển khai nhằm nắm bắt thông tin, cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ kịp thời, lồng ghép với công tác tư vấn để giúp trẻ ổn định về tâm lý, thể chất, nâng cao hiệu quả học tập cũng như kỹ năng sống.
Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh trang bị kỹ năng cho gia đình nhận nuôi trẻ
Đến nay, sau 3 năm triển khai hoạt động trang bị kiến thức, kỹ năng đối với trẻ và gia đình tại thành phố Hạ Long, 2 năm tại thành phố Cẩm Phả và 1 năm tại thị xã Quảng Yên, nhân viên công tác xã hội thuộc Trung tâm Công tác xã hội đã xây dựng kế hoạch khảo sát thông tin, đánh giá lại nội dung các kiến thức đã trang bị và tìm hiểu nhu cầu kiến thức của cá nhân, gia đình nhận nuôi dưỡng và bản thân trẻ. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, Trung tâm đã tiến hành bàn giao trẻ cho các gia đình và cá nhân nhận nuôi để chăm sóc. Để hỗ trợ các gia đình, cũng như đảm bảo cho trẻ được nhận nuôi ổn định cuộc sống, các đối tượng tham gia mô hình được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng/trẻ và 600.000 đồng/tháng/gia đình, cá nhân nhận nuôi; hỗ trợ quần áo, học tập, sinh hoạt 700.000 đồng/trẻ/năm.
Ngoài việc hỗ trợ kinh phí chăm sóc, Trung tâm còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ với các gia đình, cá nhân nhận nuôi. Đồng thời, phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các biểu hiện khác lạ về tâm lý, thói quen sinh hoạt, học tập của trẻ, kịp thời tư vấn, hỗ trợ, giúp trẻ ổn định tâm lý, thể chất, nâng cao kết quả học tập. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ như: kỹ năng ứng phó với sự phân biệt, kỳ thị, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, việc xác định vị trí của bản thân đối với gia đình, xã hội, kỹ năng giao tiếp, ứng xử...
Với mục tiêu huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng ở Quảng Ninh đã góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú. Mặc dù đây là mô hình mới nhưng kết quả mang lại có ý nghĩa vô cùng to lớn và có giá trị nhân văn sâu sắc.

Chí Tâm

Từ khóa: