Xã hội
Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong hỗ trợ người nghèo ở Bắc Kạn
10:14 AM 17/07/2024
(LĐXH)- Tín dụng chính sách thực sự là kênh quan trọng tạo sinh kế và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2025 theo chuẩn nghèo đa chiều bình quân từ 02%-2,5%, các huyện nghèo giảm từ 4%-5%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3%. Riêng trong năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 2,76% (giảm từ 24,71% xuống còn 21,95%), đạt và vượt mục tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3,48%, đạt mục tiêu đề ra; các huyện nghèo giảm 3,38%.
Ước kết quả thực hiện cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,3% (giảm từ 21,95% xuống còn 19,65%); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo (huyện Ngân Sơn và huyện Pác Nặm) giảm 4,7%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%.
Đạt được kết quả trên chính là nhờ có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và của cộng đồng xã hội, sự nỗ lực cố gắng vươn lên của người nghèo, trong đó tín dụng chính sách là một bộ phận quan trọng đối với công tác giảm nghèo bền vững ở Bắc Kạn.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội làm thủ tục giải ngân vốn vay cho hộ nghèo huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn)
Bà Hà Thị Liễu, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Kạn cho biết: Tín dụng chính sách thực sự là kênh quan trọng tạo sinh kế và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Việc cung cấp tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác để đầu tư sản xuất, kinh doanh kết hợp với hướng dẫn cách làm ăn đã tạo thêm việc làm, thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Việc mở rộng đối tượng được vay vốn ưu đãi đến các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững của tỉnh” - Giám đốc Hà Thị Liễu trao đổi.
Kết quả trong giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh có 46.043 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tương khác đang vay vốn, dư nợ 3.355 tỷ đồng. Cụ thể gồm: 13.151 lượt hộ nghèo vay vốn, dư nợ 857,5 tỷ đồng; 6.063 hộ cận nghèo vay vốn, dư nợ 410,8 tỷ đồng; 2.124 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn, dư nợ 152,08 tỷ đồng; 10.463 lượt người lao động vay vốn giải quyết việc làm, dư nợ 784,4 tỷ đồng; 1.230 lượt người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, dư nợ 65,7 tỷ đồng.
Tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên là 454 lượt hộ, dư nợ 23,5 tỷ đồng; 11.677 lượt hộ vay vốn tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường, dư nợ 218,8 tỷ đồng; 881 lượt hộ nghèo vay vốn hỗ trợ nhà ở, dư nợ 20,9 tỷ đồng...
Đến nay, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện tốt vai trò hỗ trợ vốn giúp các gia đình hội viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển sản xuất, từng bước giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tổ chức quản lý hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng đúng mục đích đạt hiệu quả…
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách tín dụng, cơ chế chính sách của Chính phủ, của tỉnh đến với nhân dân. Đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền bằng tiếng địa phương, nơi tập trung nhiều dân tộc sinh sống giúp cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách được tiếp cận và thụ hưởng chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản.
Tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực về con người và nguồn vốn để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, thường xuyên rà soát nhu cầu vay vốn, đáp ứng 100% vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc cho vay và sử dụng vốn vay tín dụng chính sách, gắn với việc hướng dẫn người vay sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng trong đầu tư, góp phần nâng cao đời sống, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.

Chí Tâm

Từ khóa: