Hiệu quả từ những mô hình giảm hại cho người bán dâm
(LĐXH)- Để ngăn ngừa, kiểm soát và hạn chế phát sinh tệ nạn mại dâm cần tập trung triển khai nhiều hoạt động truyền thông, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho người dân về phòng ngừa, tố giác, đặc biệt là thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ giảm hại cho người bán dâm.
Theo thống kê của Sở LĐTB&XH TPHCM, hiện có trên 3.200 người hoạt động mại dâm và gần 9.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố. Trong 2 năm vừa qua, Sở LĐTB&XH TPHCM đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ người bán dâm hoàn lương với các mô hình như: Mô hình “Tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm”; mô hình “Hỗ trợ, can thiệp giảm hại đối với nữ lao động đang làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ” và mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”.
Qua hơn 2 năm triển khai, Sở đã tổ chức 5 đợt khảo sát với 3.500 người; 9 lớp tập huấn, 24 buổi truyền thông về pháp lý và 20 buổi tư vấn pháp lý chuyên sâu; 36 trường hợp hỗ trợ học nghề, vay vốn với tổng số tiền trên 900 triệu đồng.Công an TP Uông Bí (Quảng Ninh) tuyên truyền các nội dung về phòng chống ma túy, mại dâm cho phụ nữ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố
Một trong những dự án được Sở LĐTB&XH TPHCM phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng kiến hỗ trợ cộng đồng (SCDI) đang thực hiện khá hiệu quả là mô hình “Hỗ trợ can thiệp giảm tác hại đối với nữ lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện” trên địa bàn phường Phạm Ngũ Lão (quận 1).
Sau 2 năm thực hiện, các nhóm tự lực hỗ trợ người bán dâm trong mô hình đã tiếp cận những đối tượng nữ lao động tại các cơ sở dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn để truyền thông thay đổi hành vi tình dục không an toàn; khám sức khỏe định kỳ, cung cấp các kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý và xã hội có liên quan.
Triển khai các mô hình, các cơ quan chức năng ngoài kiểm tra, xử lý cơ sở có nghi vấn hoạt động mại dâm còn duy trì, kết nối các mô hình trợ giúp tại cộng đồng đối với người bán dâm. Cụ thể như cung cấp các dịch vụ về tư vấn pháp lý, chăm sóc sức khỏe, can thiệp giảm hại, phòng tránh lây truyền HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục khác. Ngoài ra còn hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm thông qua chương trình an sinh xã hội để giúp đỡ người bán dâm hoàn lương, thay đổi công việc, ổn định cuộc sống.
Còn tại Quảng Ninh, một mô hình phòng ngừa, can thiệp, giảm hại trong phòng chống mại dâm hoạt động hiệu quả thời gian qua phải kể đến là nhóm Hạ Long Xanh. Được thành lập vào năm 2011, với 7 thành viên, đến nay, nhóm đã trở thành những người bạn tin cậy đối với những người hành nghề mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Công việc thường ngày của nhóm là tiếp cận, thâm nhập các “điểm nóng”, các tụ điểm vui chơi, kinh doanh giải trí... để tuyên truyền cho các đối tượng có nguy cơ về cách sử dụng bao cao su đúng cách, bệnh lây truyền qua đường tình dục, cấp bao cao su, kiến thức về HIV, khám sức khỏe định kỳ...
Nhóm đã tham gia các buổi tập huấn kỹ năng tiếp cận, tư vấn tại cộng đồng và tham gia vào các hoạt động dự phòng HIV trên địa bàn tỉnh, cũng như các hoạt động của mạng lưới hỗ trợ các nhóm tự lực người bán dâm Việt Nam để có thêm nhiều kỹ năng và kiến thức để tiếp cận, tư vấn cho đối tượng được hiệu quả.Tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội tại trường học (ảnh minh họa)
Bên cạnh đó là các mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí. Mô hình đã tiếp cận, cung cấp thông tin giảm hại, tư vấn cho 1.800 lượt người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ bị phát sinh tệ nạn mại dâm. Đồng thời, cung cấp các kiến thức về sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhiễm khuẩn qua đường tình dục và giảm hại về HIV/AIDS; tuyên truyền thúc đẩy hành vi tình dục an toàn.
Ngoài ra, phải kể đến một mô hình rất hiệu quả khác, đó là mô hình bảo đảm quyền của người lao động (người bán dâm) trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long. Mô hình này đã giúp tiếp cận, tư vấn về quyền của người lao động cho 550 lượt người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Các nhóm đã chủ động liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, kết nối cùng các mạng lưới xã hội khác (mạng lưới người nghiện chích ma túy, người nhiễm HIV, người có hành vi tình dục đồng tính), tiếp cận, tư vấn, giới thiệu 80 lượt người tham gia hoạt động tập huấn vận động chính sách, kỹ thuật tiếp cận và kiến thức liên quan đến bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Theo đánh giá, những mô hình này đã huy động được sự tham gia có trách nhiệm từ các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong việc triển khai can thiệp giảm hại và hỗ trợ xã hội. Với sự hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật, kỹ năng của các chuyên gia đã thu hút được các đồng đẳng viên tham gia.
Đặc biệt, mô hình đã từng bước tiếp cận được với những người bán dâm, từ đó tuyên truyền, vận động và giúp họ tiếp cận các dịch vụ giảm hại, nâng cao nhận thức để từ bỏ hành vi; cùng với đó, kết hợp các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm để chuyển đổi hành vi, tạo sự đồng thuận và xóa bỏ sự kỳ thị đối với người bán dâm…/.
Hồng Anh
Từ khóa:
-
Lâm Đồng: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phòng, chống mại dâm
27-12-2024 11:00 06
-
Sự thật về thuốc giảm cân
27-12-2024 09:56 58
-
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
27-12-2024 09:26 17
-
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
26-12-2024 08:52 29
-
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
19-12-2024 07:50 44
-
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
25-12-2024 16:52 58