Xã hội
Hòa Bình: Chú trọng thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện
03:31 PM 15/12/2020
Những năm qua, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm thực hiện các chính sách ưu đãi người có công. Ngành Lao động - TBXH chịu trách nhiệm quản lý nguồn kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và tổ chức thực hiện chi trả kịp thời, đúng chế độ, đúng đối tượng theo quy định, với phươmg châm: Đảm bảo thực hiện chi đúng, chi đủ, chi kịp thời.

Theo thống kê của ngành Lao động - TBXH, hiện nay tỉnh Hòa Bình đang quản lý trên 110.000 đối tượng người có công, trong đó có 30.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, với tổng số tiền chi trả 200 tỷ đồng/năm, bao gồm: 06 cán bộ lão thành cách mạng, 18 cán bộ tiền khởi nghĩa 235 bà mẹ Việt Nam anh hùng (có 12 mẹ còn sống), 2.022 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 976  bệnh binh, 3.280 người HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học và 614 con đẻ của họ, 88 người bị địch bắt tù, đày, 155 người phục vụ thương, bệnh binh, mẹ VNAH, CĐHH và 2.151 trường hợp trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân NCC. Bên cạnh đó, tổng số đối tượng hưởng trợ cấp một lần 28.247 người.

Nhân viên bưu điện văn hóa xã Thống Nhất (TP Hòa Bình) hỗ trợ khách hàng thực hiện các dịch vụ qua hệ thống Bưu điện
Sở Lao động - TBXH đã tham mưu điều chỉnh kịp thời Nghị định 58/2019/NĐ- CP của Chính phủ về việc quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng và các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương. Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết trợ cấp cho các đối tượng mới được công nhận; thẩm định và phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh trình Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ; hồ sơ “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, hồ sơ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hồ sơ tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ bị địch bắt tù, đày; Phối hợp phân bổ chỉ tiêu kế hoạch điều dưỡng đến các huyện, thị xã, thành phố và các khoản kinh phí trợ cấp một lần.
Để tạo điều kiện cho người có công trong việc nhận trợ cấp ưu đãi, Sở Lao động - TBXH đã ký kết hợp đồng nguyên tắc về việc cung cấp dịch vụ chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện. Là tỉnh thứ 31 trên toàn quốc triển khai thí điểm mô hình chi trả này nên mọi việc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm hướng tới sự hài lòng cao nhất từ phía người thụ hưởng.
Theo hợp đồng ký kết, bên cung cấp dịch vụ (Bưu điện tỉnh) sẽ đảm bảo: Tổ chức các điểm chi trả tại các điểm Bưu cục, Bưu điện - Văn hóa xã và các điểm chi trả khác trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ dụng cụ thiết yếu cho công tác chi trả. Đảm bảo đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chi trả có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực và kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Việc chi trả đúng thời gian, đúng người hưởng, đúng số tiền. Chủ động tổ chức chi trả một cách khoa học và hợp lý để người nhận tiền không phải xếp hàng chờ đợi. Có quy trình kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm thiểu nguy cơ mất tiền, sai sót, gian lận, thất thoát hoặc mất an toàn cho người nhận tiền tại các điểm chi trả. Thời gian thực hiện chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện được triển khai trong phạm vi toàn tỉnh từ ngày 1/6/2019.
Giám đốc Bưu điện tỉnh Đặng Bá Lộc chia sẻ: "Nhiệm vụ chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi cho người có công  qua hệ thống bưu điện vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn đối với xã hội và những người có công với cách mạng. Bởi vậy, ngay khi tỉnh có chủ trương triển khai chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng theo hình thức mới này, Bưu điện tỉnh đã nhanh chóng tiếp nhận và chuẩn bị tốt các điều kiện để cung ứng dịch vụ”. 
Hiện tại, Bưu điện tỉnh có mạng lưới rộng khắp với 27 Bưu cục và 189 điểm Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX). Là doanh nghiệp được Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ bưu chính công ích duy nhất, bởi vậy, hệ thống bưu điện từ cấp tỉnh đến cấp xã luôn có mối quan hệ mật thiết với chính quyền địa phương, các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội để thực hiện có hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ hành chính công trên địa bàn toàn tỉnh. Trước đó, Bưu điện tỉnh đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHYT… Quy trình chi trả được thực hiện nghiêm túc, bài bản, nhân viên bưu điện thực hiện kiểm đếm tiền, bỏ vào phong bì cho từng đối tượng hưởng. Phân tuyến, thời gian chi trả cố định phù hợp với đối tượng, đảm bảo quá trình chi trả được thuận lợi, nhanh chóng và chính xác. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin được bưu điện quan tâm hàng đầu để đối tác, cơ quan quản lý Nhà nước có thể theo dõi, giám sát tình hình chi trả. Việc này vừa đảm bảo sự minh bạch, vừa đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực phục vụ, Bưu điện tỉnh đã ấn định mục tiêu cụ thể: Đảm bảo 100% đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đang hưởng trợ cấp hàng tháng được chi trả đúng chế độ. Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ để ít nhất trên 90% đối tượng hài lòng với thái độ phục vụ của nhân viên chi trả, điểm chi trả, thời gian, mức phí chi trả… Những mục tiêu cụ thể này nhằm khẳng định rõ sự ưu việt trong phương thức chi trả qua hệ thống bưu điện là kịp thời, chính xác, đúng, đủ, minh bạch, an toàn và chuyên nghiệp.
Thực tế, việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện đã được triển khai thí điểm trên 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua kinh nghiệm các địa phương đã thực hiện cho thấy: Phương thức chi trả qua hệ thống bưu điện đảm bảo tính chyên nghiệp, an toàn, hiệu quả, minh bạch, kịp thời và đúng đối tượng hạn chế sai sót, tiêu cực.

Minh Anh

 

Từ khóa: