Xã hội
Hòa Bình nỗ lực giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân
08:51 AM 10/09/2021
(LĐXH) - Thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do xảy ra dịch bệnh Covid-19 nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giảm nghèo.
Các chính sách giảm nghèo được giải quyết kịp thời đúng quy định; tổ chức mua, cấp thẻ BHYT miễn phí cho các đối tượng; hỗ trợ hộ nghèo vay vốn; đào tạo nghề giải quyết việc làm... đã giúp người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch, ổn định sản xuất và nâng cao đời sống.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 14/4/2021 về việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Hòa Bình năm 2021; Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 30/3/2021 về xây dựng đề án đánh giá thực trạng kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 18/3/2021 về triển khai thực hiện tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025… Các Sở, ban, ngành trong tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công đã ban hành các Kế hoạch, hướng dẫn thực hiện các nội dung thực hiện Chương trình giảm nghèo năm 2021 cụ thể như: Kế hoạch số 514/KH-BDT ngày 17/5/2021 về thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2021; Kế hoạch số 27/KH-MT-BQL ngày 21/4/2020 về việc xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” và công tác an sinh xã hội năm 2020 lồng ghép gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Công văn số 1159/LĐTBXH-BTXH ngày 29/6/2021 về việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với người dân sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn…

Người dân xã Hữu Lợi (huyện Yên Thủy) được hỗ trợ gà giống phát triển sản xuất 

Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức mua, cấp 619.498 thẻ BHYT miễn phí, trong đó người sống ở vùng đặc biệt khó khăn là 12.271 thẻ; người DTTS 408.640 thẻ; người nghèo 9.979; người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ là 100% 4.087 thẻ; đối tượng bảo trợ xã hội là 7.490 thẻ, còn lại là các đối tượng khác. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và đối tượng bảo trợ xã hội từ Quỹ khám, chữa bệnh cho nghèo của tỉnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 228 nhà đại đoàn kết từ nguồn Quỹ “Ngày vì người nghèo” với tổng kinh phí gần 7,9 tỷ đồng. Phân bổ kinh phí hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội gần 30 tỷ đồng. Phân bổ dự toán hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên năm 2021 với tổng kinh phí khoảng 233 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hòa Bình đã cho 23.584 lượt khách hàng vay vốn với doanh số cho vay hơn 838 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, trong đó có 3.185 hộ nghèo vay với số tiền hơn 135 tỷ đồng; 3.506 hộ cận nghèo vay với số tiền 155 tỷ đồng; 2.841 hộ mới thoát nghèo vay số tiền hơn 135 tỷ đồng và một số chương trình khác... Hiện tổng số khách hàng còn dư nợ vốn là 124.476 hộ với tổng dư nợ là gần 3.545 tỷ đồng.
Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung, tỉnh Hòa Bình cũng ban hành các chính sách đặc thù riêng của tỉnh để giúp người nghèo vượt qua khó khăn, như: Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các bộ, công chức, viên chức; Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản khó khăn nhất tỉnh Hòa Bình đến năm 2020; Dự án phát triển kinh tế xã hội 02 xã Hang Kia, Pà Cò huyện Mai Châu giai đoạn 2021-2025… Nhân dịp Tết Nguyên đán 2021, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 18.847 hộ nghèo tiền ăn tết với tổng kinh phí là hơn 7,5 tỷ đồng. Thực hiện Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản khó khăn nhất tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 (Tổng kinh phí 10 tỷ đồng). Hiện các công trình đã, đang thẩm định chủ trương đầu tư và đang triển khai các bước thực hiện đầu tư tiếp theo đảm bảo theo quy định. Thực hiện chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ, tỉnh đã phân bổ kinh phí 605,3 triệu đồng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức năm 2021 gồm 4 nội dung: Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng triển khai công tác dân tộc cấp xã, địa điểm tại các huyện Tân Lạc, Yên Thuỷ và Lạc Sơn, kinh phí 114,21 triệu đồng; bồi dưỡng nâng cao năng lực cộng đồng về tuyên truyền phòng chống ma tuý cho đồng bào dân tộc tại địa bàn huyện Mai Châu, Lạc Sơn, Tân Lạc, kinh phí 127,29 triệu đồng; bồi dưỡng kiến thức dân tộc, địa điểm mở tại huyện Lạc Thuỷ, Đà Bắc, Kim Bôi và thành phố Hoà Bình, kinh phí 261,6 triệu đồng; bồi dưỡng chữ dân tộc Mường, địa điểm tổ chức tại thành phố 6 Hoà Bình, kinh phí 102,2 triệu đồng.
Thời gian qua, tỉnh cũng thực hiện nhiều chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi như: Chính sách đối với người có uy tín; Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 45/QĐ-TTg; Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025… Toàn tỉnh đã thực hiện cấp 19 ấn phẩm báo, tạp chí các loại với số lượng 196.735 ấn phẩm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố nắm bắt thông tin, kịp thời thăm hỏi, động viên người có uy tín tổng số 10 người có uy tín, thân nhân người có uy tín không may qua đời với số tiền là 10 triệu đồng. Công an tỉnh tổ chức rà soát địa bàn xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự và thống nhất với UBMTTQ tỉnh để đề xuất, báo cáo 4 đề nghị UBND tỉnh cho phép bổ sung 38 người có uy tín do lực lượng công an tranh thủ trên địa bàn 38 thôn, bản của tỉnh.
Nhiều mô hình trồng cây có múi hiệu quả giúp các hộ gia đình ở Hòa Bình thoát nghèo,vươn lên làm giàu
Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” theo Quyết định 498/QĐ-TTg. Tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các xã đang thực hiện các mô hình cộng đồng, tiếp tục xây dựng kế hoạch, duy trì các hoạt động ở cơ sở;  tiến hành khảo sát địa bàn đồng thời đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép để lắp đặt pano tuyên truyền tại 11 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú của tỉnh; đề nghị và được Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép xuất bản tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến sẽ lắp đặt panô tại các địa điểm Trường Phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh và cấp phát tài liệu tuyên truyền được hoàn thành trong quý III năm 2021.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở Hòa Bình cũng gặp nhiều khó khăn do diễn biến các dịch bệnh khó lường, đặc biệt như đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến công tác xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Một số chương trình, dự án, đề án, chính sách đã được ban hành song chưa đáp ứng đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện làm ảnh hưởng đến việc triển khai tổ chức thực hiện chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương trong triển khai các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi còn hạn chế do vậy việc triển khai thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh còn nhiều khó khăn.
Tỉnh Hòa Bình đặt ra mục tiêu đến hết năm 2021 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 6,6% (tương đương giảm 2%). Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh cũng đề ra các giải pháp, cụ thể như: Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm nâng cao nhận thức về giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả. Chỉ đạo hình thành đội ngũ điều tra viên chuyên nghiệp, có đủ năng lực, đạo đức, trình độ chuyên môn, am hiểu địa bàn, thực tế để trực tiếp thực hiện điều tra, rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo chính xác, công bằng, không bỏ sót đối tượng. Tiếp tục vận động nhiều nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo như vận động Quỹ "Ngày vì người nghèo". Tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nghĩa với các xã nghèo, thôn nghèo để đa dạng nội dung hỗ trợ cho hộ nghèo và thôn nghèo, xã nghèo và huyện nghèo./.
Nguyễn Hiền
Từ khóa: