Hòa Bình triển khai hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
(LĐXH)-Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây bắc, có địa giới hành chính nối liền giữa các tỉnh phía Tây Bắc của Tổ quốc như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên với các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và thủ đô Hà nội. Tỉnh Hòa Bình có 10 huyện, 01 thành phố, với 210 xã, phường, thị trấn, dân số trên 850.000 người gồm 7 dân tộc chủ yếu (Mường, Kinh, Tày, Dao, Thái, Hmông, Hoa) trong đó dân tộc Mường chiếm 68%. Tổng diện tích đất tự nhiên 4.660km2, địa hình chủ yếu là núi cao, chia cắt phức tạp, đi lại khó khăn. Tỉnh có đường giao thông huyết mạch quốc lộ 6 nối liền với thủ đô Hà Nội và các tỉnh tây bắc nên rất thuận lợi cho giao lư¬u kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn 2011 -2015, tỉnh Hòa Bình có 51 người nạn nhân bị mua bán trở về, nạn nhân được hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng là 06 người (Trong đó: năm 2011 có 27 người nạn nhân, hỗ trợ cho 3 nạn nhân; năm 2012 không có nạn nhân; năm 2013 có 24 nạn nhân bị mua bán, trong đó có 07 nạn nhân đã trở về, hỗ trợ tái hòa nhập cho 03 nạn nhân; năm 2014, có 01 nạn nhân bị buôn bán đã phát hiện và ngăn chặn giải cứu trả về địa phương). Giai đoạn 2016 đến nay, kết quả điều tra, rà soát nạn nhân bị mua bán: năm 2016, phát hiện 01 nạn nhân bị buôn bán và ngăn chặn giải cứu trả về địa phương đồng thời được thực hiện hỗ trợ cho nạn nhân năm 2017; năm 2017, có 06 nạn nhân tự trở về khai báo với chính quyền địa phương; năm 2018, có 05 nạn nhân khai báo với chính quyền địa phương và 02 nạn nhân đang được công an tỉnh xác minh. Trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ việc về tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, lực lượng chức năng xác định tội phạm MBN tiềm ẩn nhiều phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Với đặc điểm tỉnh gần giáp Thủ đô Hà nội nên nhiều phụ nữ nên trẻ em độ tuổi từ 15-35 tuổi thường đi làm ăn xa lại là đồng bào dân tộc thiểu số, đó trình độ dân trí thấp, khó khăn về kinh tế... dẫn đến dễ bị lợi dụng lời hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, rồi tìm mọi cách đưa ra nước ngoài bán hoặc chuyển đến các ổ nhóm hoạt động mại dâm.
Đáng nói, trong đó nhiều vụ mua bán người nạn nhân chính là... người yêu của các đối tượng trong đường dây mua bán người. Ví như vụ Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Thành, quê quán tại Xuy Xá, Mỹ Đức (Hà Nội) có hộ khẩu thường trú tại xã Toàn Sơn (Đà Bắc) lừa Nguyễn Thị H., Đinh Thị H. (khi đó Đinh Thị H. đang là học sinh lớp 11, trường phổ thông DTNT huyện Đà Bắc) sang Trung Quốc để bán vào các nhà chứa. Hay vụ Lê Thị Đàm (tức Đào) cấu kết với Nguyễn Đức Quỳnh và Lê Văn Tuấn, trú tại xã Yên Mông, Phan Ngọc Tuyền, trú tại xã Hòa Bình (TP Hoà Bình) lừa bán người yêu của Tuấn là Nguyễn Thị H.N., trú tại thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Hoặc như vụ Công an huyện Mai Châu phối hợp với Công an huyện Tân Lạc bắt quả tang đối tượng Cư Seo Dì (SN 1977), trú tại Si Ma Cai (Lào Cai) có hành vi lừa Khà Y S. (SN 1995), ở xóm Thung Ẳng, xã Hang Kia (Mai Châu) - nhận là người yêu của Dì - sang Trung Quốc bán với giá 3.000 nhân dân tệ. Không chỉ có vậy, vào đầu tháng 8/2017, Cơ quan an ninh điều tra - Công an tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng Bộ Công an, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Bộ Công an Trung Quốc giải cứu thành công Tráng Y M. (SN 1999), trú tại xã Pà Cò (Mai Châu) bị lừa bán sang Trung Quốc từ tháng 11/2016 đưa về nước an toàn...
Các nạn nhân bị mua bán thường đã từng phải trải qua tình trạng bị cưỡng bức, bị bạo lực về thể chất, tình dục và tâm lý, bị giam cầm bất hợp pháp, bị đe dọa... Hậu quả là, nạn nhân phải hứng chịu những tổn thương về sức khỏe và tâm lý nặng nề và việc tái hòa nhập của họ cũng gặp nhiểu khó khăn về: Tổn thương về mặt tâm lý, bị kì thị, xa lánh từ cộng đồng; Khó khăn về mặt kinh tế do thiếu việc làm vì không tìm được công việc phù hợp ở địa phương; Khó khăn về pháp lý như đăng kí hộ khẩu, chứng minh thư khi trở về, không đăng kí khai sinh được cho con cái, từ đó khó tiếp cận được các dịch vụ xã hội, thậm chí thiếu chỗ ở ổn định; Sức khỏe suy giảm, bị bệnh tật, mắc những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (đặc biệt với những nạn nhân bị buôn bán vì mục đích bóc lột tình dục).
Chị Nguyễn Thị T ở thôn Đông Yên, xã Yên Bồng (Lạc Thủy) cho biết chị là nạn nhân của nạn buôn bán người. Khi mới lớn, chỉ 17 - 18 tuổi, học xong, nhà nghèo, bố mẹ mất sớm, chỉ có 2 anh em chị T cũng chỉ quanh quẩn ruộng vườn, chẳng biết làm gì. Rồi có người đến rủ đi bán hàng ở Hà Nội, cơm nuôi, lương tháng đủ sống, có dư để tích luỹ và gửi về nhà. Thế là chị tin và đi theo. Chưa bao giờ ra khỏi làng. Rồi cũng chẳng biết người ta đưa đi đâu. Chỉ biết, điểm đến là một nơi xa lạ. Người ta nói, mình chẳng hiểu. Điểm cuối là một ngôi làng nhỏ ở sâu trong núi. Rồi từ ngà ấy, chị bắt đầu làm việc đồng áng vất vả, tối về làm vợ người không quen biết. Rồi cứ thế, 5 đứa trẻ lần lượt ra đời... 5 đứa trẻ này là kết quả của những ngày đau khổ nơi xứ người. Gượng đứng lên sau những chà đạp về thể xác và tinh thần, T. quyết tâm bỏ trốn, cùng 5 đứa trẻ do mình dứt ruột đẻ ra tìm đường về cố hương. Được sự giúp đỡ của những người cảm thương cảnh ngộ, cuộc trốn chạy thành công. Cả 6 mẹ con đã trở về an toàn trong những cánh tay dang rộng nơi quê nhà...
Không may mắn như Nguyễn Thị T., sau nhiều năm, dù đã lập gia đình, nhưng Bùi Thị Ch. ở xóm Cơi, xã Suối Nánh (Đà Bắc) vẫn không quên được nỗi ám ảnh khi 2 lần bị lừa bán sang Trung Quốc để làm... gái mại dâm. "Đó là những ngày tháng nhục nhã ê chề, chẳng bao giờ em có thể quên. Dù chuyện đó đã là quá khứ nhưng nó vẫn ám ảnh em hàng đêm” - Ch. bảo. Nỗi ám ảnh này có lẽ sẽ theo Ch. đến hết cuộc đời. Bởi người đưa cô sang phía bên kia biên giới như một món hàng chính là kẻ đã ngỏ lời yêu cô...
Nạn nhân bị buôn bán trên địa bàn tỉnh Hòa Bình rất khó để nắm bắt chính xác, do bản chất phi pháp lưu manh tội phạm mua bán người, nên khó khăn trong việc xác định nạn nhân, đặc biệt là nạn nhân bị mua bán tự trở về. Các nạn nhân thường xuất thân từ các vùng nông thôn và từ các gia đình nông dân nghèo, cha mẹ thường có trình độ học vấn rất thấp, giáo dục gia đình kém, hay có những vấn đề xã hội như rượu, chè, bạo lực gia đình, khuyết tật, cha mẹ đơn thân, ly dị hoặc có cuộc sống không hạnh phúc… khi trở về thường có tâm lý bất ổn, ngại va chạm và sợ kỳ thị của cộng đồng nên sau thời gian trở về họ thường đi nơi khác làm ăn, sinh sống.
Trước tình hình trên, tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 24/H-UBND ngày 18/3/2016 về việc triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người, giai đoạn 2016-2020. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai lồng ghéo công tác phòng, chống mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn, tổ chức các cuộc điều tra, rà soát, thống kê nạn nhân bị buôn bán trở về ở tất cả các xã phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Thực hiện tập huấn truyền thông lồng ghép công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho đội ngũ cán bộ xã, thôn bản và đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã. Hướng dẫn cấp huyện lồng ghép công tác phòng chống tệ nạn xã hội và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá, công tác xác định là nạn nhân bị mua bán trở về hiện nay ở Hòa Bình hiện nay hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về gặp khó khăn bởi phần lớn nạn nhân của tỉnh bị buôn bán nơi khác trở về, mang tâm lý mặc cảm, né tránh, sợ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, cuộc sống gia đình nên việc xác định là nạn nhân bị mua bán rất khó.
Bên cạnh đó, có những nạn nhân tố giác kẻ bán mình nhưng khó khăn trong thủ tục tố tụng và tâm lý sợ kỳ thị của cộng đồng nên thường yên lặng hoặc không ở lại địa phương mà tự chuyển đi nơi khác để làm ăn xa.
Việc xác minh theo quy định tại 01/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG ngày 10/02/2014 là nạn nhân bị mua bán còn gặp nhiều khó khăn, các cơ quan chức năng chưa có đủ cơ sở, tài liệu chứng minh họ là nạn nhân bị mua bán, đa số nạn nhân lại sống ở vùng miền núi nên nhân lực và phương tiện để phục vụ cho công tác xác minh của địa phương chưa đáp ứng kịp thời nên ảnh hưởng đến thực hiện hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Trong công tác hỗ trợ nạn nhân, chính sách, chế độ chi cho hoạt động hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với nạn nhân còn ở mức thấp (1 triệu đồng tiền trợ cấp khó khăn ban đầu tại Nghị định 09/2013), chưa có tác dụng tích cực giúp cho nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho nạn nhân được trích từ nguồn đảm bảo xã hội cấp huyện nên việc bố trí kinh phí hỗ trợ nạn nhân còn chậm. Các chính sách hỗ trợ gián tiếp khác như: Hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, vay vốn sản xuất chưa có cơ chế riêng nên khó thực hiện. Bên cạnh đó, năng lực cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn hạn chế, đặc biệt trong khâu tư vấn tâm lý, nên việc tiếp cận và hỗ trợ những nạn nhân tại cộng đồng đem lại hiệu quả chưa cao.
Trong thực tế, trong các vụ án mua bán người xảy ra đến quá trình xét xử và cấp giấy xác nhận là nạn nhân rất dài và nạn nhân thường không tham gia tố tụng. Khi được xác định là nạn nhân đến qua trình được hỗ trợ kinh phí tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ học nghề, y tế... mất nhiều thời gian. Mặt khác những nạn nhân bị buôn bán đã phải trải nghiệm những mối quan hệ tiêu cực trong quá khứ và mất niềm tin vào người khác nên rất khó tiếp cận.
Trước tình trạng buôn bán người vẫn đang diễn biến phức tạp và những nạn nhân bị buôn bán trở về vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần tới sự trợ giúp, để thực hiện hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng thông qua các hoạt động hỗ trợ khác nhau là vô cùng cần thiết. Để giúp cho quá trình hỗ trợ nạn nhân được toàn diện, liền mạch và hiệu quả, có thêm nhiều nạn nhân không may bị buôn bán nhận được sự hỗ trợ cần thiết để tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững và có một tương lai tốt đẹp hơn, tỉnh Hòa Bình kiến nghị Trung ương thành lập Quỹ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và kết nối với các tỉnh để thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân và giúp kết nối với các chương trình hỗ trợ khác nhằm chủ động trong công tác hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng được liên tục, kịp thời. Đồng thời đề nghị các cơ quan xét xử các vụ án liên quan đến nạn nhân bị buôn bán gửi thông báo phòng Lao động – TB&XH địa phương của nạn nhân nắm bắt và làm các thủ tục chi hỗ trợ cho nạn nhân theo quy định được kịp thời./.
Trần Thị Mỹ Hạnh
Từ khóa:
-
Lạng Sơn: Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo
24-11-2024 08:01 44
-
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)
23-11-2024 18:50 59
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
07-11-2024 11:57 49
-
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
21-11-2024 11:06 29
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
- Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
- Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
- Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh