Xã hội
Hòa Bình: Tư vấn lưu động và trợ giúp pháp lý tìm kiếm thông tin liệt sỹ, mộ liệt sỹ
09:11 AM 25/10/2018
Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho thân nhân liệt sĩ (MARIN) mới đây đã phối hợp Cục Người có công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình tổ chức tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gần 500 gia đình thân nhân liệt sĩ tại địa bàn. Hoạt động nhằm giúp người thân biết thêm cách tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ đã hy sinh.
Trăn trở những nỗi đau
Chưa đến 8 giờ sáng 7-7, trước cửa Trung tâm văn hóa Thành phố Hòa Bình người đã đông như hội. Ông Xa Văn Sại, 60 tuổi, ở xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, cả đêm qua thấp thỏm không ngủ được. Ông Sại chỉ mong trời sáng ể nghe đoàn tư vấn hướng dẫn cách tìm mộ liệt sĩ Xa Văn Son, hy sinh ở chiến trường Campuchia, mà suốt bao năm qua gia đình chưa tìm được.
Ông Sại bộc bạch: “Riêng xã Đồng Chum huyện tôi hôm nay phải có tới 20 gia đình thân nhân đến đây. Tất cả đều chưa có thông tin về mộ liệt sĩ. Có người ròng rã vào chiến trường tìm, có người thuê nhà ngoại cảm mà cũng bặt vô âm tín”. Đến bây giờ, nhắc đến chuyện tìm mộ liệt sĩ, nhiều người vẫn không khỏi xót xa. Chiến tranh đã đi qua, nhưng có những nỗi đau vẫn hiện hữu.
Thân nhân liệt sỹ trên địa bàn các huyện Lạc Sơn, Yên Thuỷ, Tân Lạc, Cao Phong tham gia buổi tư vấn
Theo dự kiến, 8 giờ 30 phút sáng, buổi tư vấn sẽ bắt đầu nhưng phải lùi lại vì khán phòng 200 chỗ ngồi đã chật kín, không còn một ghế trống mà đoàn người vẫn nối tiếp tiến vào hội trường. Ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình, đã mở đầu buổi tư vấn với những lời chia sẻ đầy tâm trạng: “Hòa Bình là tỉnh khó khăn về kinh tế, trải qua hai cuộc kháng chiến và chiến tranh biên giới, trên toàn tỉnh có khoảng 6.000 liệt sĩ, trong đó 98% chưa có mộ, chưa biết tên, hiện nay đang nằm lại chủ yếu trên các chiến trường B, C, K. Phần mộ của các liệt sĩ, ngoài 25 nghĩa trang ở Hòa Bình, còn nằm rải rác ở các nghĩa trang phía nam. Mặc dù đã có chủ trương về việc quy tập các phần mộ liệt sĩ về địa phương chăm sóc hương khói. Tuy nhiên, năm năm qua, tỉnh Hòa Bình chỉ quy tập được 110 phần mộ vì đa số là không biết tên nên không thể mang về được. Đây không chỉ là nỗi đau của gia đình thân nhân, mà còn là nỗi trăn trở của tỉnh”.
MARIN là trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho thân nhân liệt sĩ hoạt động được 14 năm nay. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Trung tâm MARIN, cho biết: “Hiện nay Trung tâm đang thực hiện ba hoạt động lớn. Một là, tổ chức tư vấn thông tin mộ liệt sĩ cho các thân nhân, hai là phối hợp với Cục Người có công xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và phương pháp xét nghiệm ADN, ba là xây dựng đài nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến”.
Hơn 10 năm qua, Trung tâm MARIN đã đồng hành cùng các cơ quan chức năng dốc sức tìm kiếm, tư vấn thông tin về phần mộ liệt sĩ cho nhiều thân nhân. Trung tâm cũng đang lưu trữ thông tin về hơn 900 nghìn hồ sơ quân nhân, hơn 300 nghìn hồ sơ các liệt sĩ tại các nghĩa trang trên toàn quốc, hàng trăm phần mộ liệt sĩ đã được bổ sung thông tin, gửi về các địa phương. Được biết, riêng tỉnh Hòa Bình, Trung tâm MARIN đã điều chỉnh bổ sung thông tin cho 19 mộ liệt sĩ và bàn giao lại cho tỉnh.
Tìm kiếm thông tin mộ liệt sĩ như thế nào?
Chị Ngô Thị Thúy Hằng tư vấn cho gia đình thân nhân liệt sĩ ở Hòa Bình tìm mộ người thân
Đây là câu hỏi được rất nhiều người dân mong chờ trong buổi tư vấn của Trung tâm MARIN tại Hòa Bình. Chị Ngô Thị Thúy Hằng, Phó giám đốc Trung tâm MARIN, hiểu hơn ai hết nỗi đau mất mát của người thân khi đi tìm kiếm mộ liệt sĩ, bởi bản thân chị cũng từng trải qua những thời điểm đầy khó khăn trong hành trình gian nan này.
Chị Hằng chia sẻ: “Chiến tranh đã kết thức từ lâu, mặc dù được cơ quan nhà nước quan tâm nhưng thông tin về nơi hy sinh, trường hợp hy sinh của các liệt sĩ chưa bao giờ được công bố đầy đủ, chính xác. Trước đây, bà con thường đi tìm liệt sĩ nhà mình bằng cách lên các nghĩa trang tra tên, gặp các đồng đội để hỏi, tìm đến các cá nhân tự xưng là nhà ngoại cảm. Nhưng không biết rằng các phương pháp trên đều là bị động. Hiện nay, chúng ta đang phải xử lý hậu quả như bốc nhầm mộ, bốc mộ trắng… Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến công tác quy tập tìm kiếm mô liệt sĩ của các cơ quan trong và ngoài nước”.
Theo chị Hằng, hiện nay bà con cần làm những việc sau: Đầu tiên căn cứ vào giấy báo tử, tự xác nhận liệt sĩ mất ở đâu, trường hợp nào. Trong trường hợp mất giấy báo tử thì người thân phải làm đơn liên hệ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để xin sao lục giấy báo tử. Sau khi có giấy báo tử, phải liên lạc với Bộ Chỉ huy quân sự địa phương của tỉnh đó để xin sao trích lục hồ sơ quân nhân. Văn bản này có hai nội dung rất quan trọng bắt buộc phải tìm được, nếu không có bản trích lục hồ sơ này sẽ rất bế tắc. Vì chính sách của Đảng, Nhà nước đã có nhiều đổi mới. Theo Thông tư liên tịch số 13/2014 giữa Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tại Điều 17 cho biết, nếu có bản trích lục hồ sơ quân nhân, ghi rõ nơi hy sinh thì một năm một lần, thân nhân sẽ được hưởng chế độ thăm nom, chăm sóc mộ liệt sĩ. Thứ hai là, trên bản bản giấy trích lục quân nhân có đơn vị chiến đấu và trường hợp hy sinh, địa điểm. Nếu trường hợp ghi rõ mất thông tin, mất tích thì việc tìm kiếm là khá mong manh. Tuy nhiên, nếu trường hợp liệt sĩ hy sinh ở chiến trường nước ngoài, phải liên hệ trực tiếp với Bộ Chỉ huy quân sự của tỉnh để được tư vấn.
Sau khi đã biết nơi liệt sĩ hy sinh, gia đình liệt sĩ phải làm việc ngay với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh địa bàn để thực hiện các thủ tục cần thiết. Hiện nay có hai phương pháp để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, đó là xác định ADN và thực chứng, tuy nhiên cần cân nhắc.
Được biết, ngay sau hai buổi tư vấn lưu động của Trung tâm MARIN tại Hòa Bình, Phòng Người có công của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho lãnh đạo ban hành công văn hướng dẫn các địa phương lập danh sách gia đình liệt sĩ mất giấy báo tử và có nhu cầu sao lục lại để cấp cho bà con. Có thể nói, đây là một động thái rất nhanh chóng, kịp thời, thể hiện sự quan tâm của các cơ quan liên quan đối với công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ trên toàn quốc.
Phạm Kiên
Từ khóa: