Hội Cựu chiến binh: Linh hoạt, sáng tạo, nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
(LĐXH) Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam là một trong những đơn vị nhận uỷ thác vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Trong nhiều năm qua, với sự linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm và những giải pháp riêng có, các cấp Hội đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách vào cuộc sống, giúp nhiều gia đình hội viên CCB, người nghèo phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bám sát các định hướng và nhiệm vụ theo văn bản thoả thuận được ký kết, những năm qua Hội CCB đã phối hợp với NHCSXH các cấp nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung, qui trình, công việc uỷ thác, công tác phối hợp giữa NHCSXH với Hội CCB nói riêng và các tổ chức chính trị - xã hội khác nói chung; thống nhất mức phí uỷ thác, tỷ lệ phí uỷ thác chi trả cho các cấp Hội, mức hoa hồng, tỷ lệ hoa hồng chi trả cho tổ trưởng, Ban Quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) theo chất lượng hoạt động của tổ, điều chỉnh mức phí phù hợp với từng giai đoạn theo hướng ưu tiên hỗ trợ cho vùng khó khăn, tạo điều kiện cho Hội cấp cơ sở có thêm kinh phí hoạt động.
Đối với Hội CCB cấp xã, đến cuối năm 2020, đã có trên 85% số Hội cấp xã trên toàn quốc ký kết hợp đồng uỷ thác với NHCSXH nơi cho vay để thực hiện các nghiệp vụ uỷ thác, tham gia vào các công đoạn cho vay, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Tổ TK&VV, quản lý nguồn vốn vay, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thể hiện vai trò phản biện xã hội, nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng do NHCSXH cung cấp. Hiệu quả thể hiện không chỉ ở việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách, mà còn tạo nguồn lực, động lực cho sự phát triển của phong trào Hội.
Nhờ giải pháp riêng có này, nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn sản xuất, kinh doanh, tạo được việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống, góp phần tích cực trong giảm nghèo bền vững, ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Các cấp Hội và hội viên CCB tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến về tín dụng chính sách để lan toả chính sách giàu tính nhân văn này đến đông đảo hội viên và người dân, hỗ trợ người dân tham gia Tổ TK&VV để tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách. Hoạt động tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp, sáng tạo và hiệu quả như sinh hoạt Hội định kỳ, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng…
Nguồn vốn tín dụng chính sách được phối hợp, lồng ghép có hiệu quả trong hoạt động của các tổ chức Hội CCB các cấp, phối hợp với các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (Xây dựng nông thôn mới, Dân tộc thiểu số miền núi, Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn…), hoạt động khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm… nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp với từng địa phương để giúp người dân thoát nghèo, hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Hằng năm, các cấp Hội thực hiện phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã xây dựng nhiều mô hình, tạo sự lan toả trong sản xuất, kinh doanh, phát triển dịch vụ như mô hình trồng cây ăn quả có múi ở Cao Phong, Tân Lạc (Hoà Bình); mô hình trồng chè sản xuất ở các vùng chè đặc sản Tân Cương (Thái Nguyên); mô hình nuôi trồng thuỷ sản tại các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn (Cà Mau); mô hình sản xuất lúa gạo xuất khẩu tại Vị Thuỷ (Hậu Giang); trồng trái cây qui mô lớn tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang.
có nhiều thành tích trong sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách
Bên cạnh đó, các cấp Hội chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát và phối hợp với NHCSXH cùng cấp thực hiện ngay từ đầu năm. Công tác kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, bài bản, đúng phương pháp, đầy đủ nội dung, tỷ lệ cần kiểm tra, đề cao tinh thần trách nhiệm, công tác tổ chức linh hoạt và thuận tiện, phù hợp với hoạt động của Hội, có sự phối hợp với NHCSXH. Việc kiểm tra chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Hội cấp dưới , Ban quản lý Tổ để đề ra giải pháp, phương án khắc phục. Từ đó nâng cao chất lượng uỷ thác của Hội CCB các cấp, chất lượng Tổ TK&VV, ý thức trách nhiệm, nhận thức của Ban Quản lý tổ, tổ viên cũng như tạo ý thức có vay- có trả, người dân mạnh dạn vay vốn, không còn trông chờ, ỷ lại vào cho không, cấp phát.
Trong giai đoạn 2011 -2020, công tác đào tạo, tập huấn, củng cố nâng cao trình độ, chất lượng của đội ngũ cán bộ làm dịch vụ uỷ thác, Ban Quản lý Tổ TK&VV luôn được Hội CCB quan tâm triển khai xuyên suốt. Từ trung ương đến cấp Hội cơ sở chủ động thực hiện, đồng thời phối hợp chặt chẽ với NHCSXH các cấp để thống nhất về nội dung, chương trình đào tạo. Các hình thức triển khai phong phú, linh hoạt. Nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm cập nhật các văn bản nghiệp vụ mới của Ngân hàng cũng như triển khai tốt công tác phối hợp giữa các bên.
Trung ương Hội đã triển khai đến Hội cấp tỉnh, huyện, xã và chi hội cơ sở những chính sách mới như cho vay đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay nhà ở xã hội…; nâng mức cho vay tối đa lên 50 triệu đồng/hộ, 100 triệu đồng/hộ đối với một số đối tượng cụ thể. Từ đó, các nội dung được triển khai đến các hội viên và đông đảo nhân dân, tạo hiệu quả tích cực, có sức lan toả, giúp cho chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đi vào cuộc sống.
Về kết quả hoạt động uỷ thác vốn tín dụng chính sách qua Hội CCB, tính đến tháng 11/2020, công tác uỷ thác được Hội thực hiện tại 63 Hội cấp tỉnh, 707 đơn vị Hội cấp huyện và 8.984 Hội cấp xã trên toàn quốc. Tổng dư nợ uỷ thác do Hội CCB quản lý là gần 37.630 tỷ đồng, chiếm 16,85% tổng dư nợ uỷ thác của NHCSXH tại 18 chương trình cho vay, với 30.384 tổ TK&VV và gần 1,1 triệu khách hàng còn dư nợ…
Với nguồn vốn NHCSXH, Hội CCB đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Theo thống kê, trong 3 năm (2018 - 2020) đã giảm được gần 61,7 nghìn hộ CCB nghèo, gần 35 nghìn hộ cận nghèo; 4.871/10.619 xã; 229/704 huyện hết CCB nghèo; xoá được hơn 14 nghìn căn nhà dột nát, giải quyết việc làm cho gần 394 nghìn người, chủ yếu là CCB và con em CCB. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở, tạo điều kiện để Hội thực hiện nhiệm vụ một cách toàn diện và sâu sắc.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
06-11-2024 10:25 08
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
15-11-2024 15:18 29
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08