Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Định: Nhiều bài học quý báu được đúc kết
Sau 4 ngày khẩn trương thực hiện hàng loạt các hoạt động chuẩn bị và giảng dạy, Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Định từ ngày 23/7 đến 26/7 đã thành công tốt đẹp, mang lại nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cũng như các giáo viên trong công tác tổ chức và cải thiện chất lượng dạy nghề.
Ngay từ đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội giảng theo quy định. Sở đã có Công văn 813/SLĐTBXH-VLGDNN ngày 08/4/2019 về việc tổ chức Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp cơ sở và chuẩn bị Hội giảng cấp tỉnh năm 2019, và một số công tác khác chuẩn bị tổ chức Hội giảng theo kế hoạch. Sau hội giảng cấp cơ sở, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bình chọn nhà giáo tiêu biểu và đăng ký tham gia Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh.
Hội giảng là hoạt động chuyên môn quan trọng được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, nhằm tạo điều kiện để các giáo viên thể hiện năng lực sư phạm, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề, đồng thời là một trong những căn cứ đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục nghề nghiệp. Có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia với 26 giáo viên có 26 tiết trình giảng. 07 nhóm ngành nghề được các nhà giáo chọn tham gia Hội giảng gồm: Kỹ thuật, Dịch vụ - Du lịch, Nông lâm nghiệp, Nghệ thuật biểu diễn, Sản xuất và chế biến, Công nghệ ô tô, Trắc địa.
Tham gia Hội giảng lần này các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã lựa chọn, mang tới Hội giảng nhiều bài giảng có nội dung sát với thực tế sản xuất và công nghệ mới. Phần lớn các bài giảng của quý thầy cô giáo (đặc biệt của khối Trường) đã chuẩn bị kỹ hồ sơ bài giảng, xác định được mục tiêu bài giảng, việc soạn và dạy đều xác định được vị trí, nội dung kiến thức, bảo đảm tính hệ thống của chương trình, hệ thống kiến thức, có tiêu chí đánh giá kết quả của người học; chuẩn bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ và đồ dùng dạy học, đặc biệt có những đồ dùng và phương tiện dạy học tự làm. Phương pháp giảng dạy có nhiều tiến bộ, đã sử dụng linh hoạt kênh ngôn ngữ, kênh trực quan, kênh hoạt động, trãi nghiệm (cụ thể đưa lý thuyết về thực tiễn, thực tế, huy động kinh nghiệm vốn luyến). Các nhà giáo đã vận dụng khá tốt sự kết hợp giữa phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học tích cực hiện đại; hầu hết nhà giáo sử dụng tốt các phương tiện, thiết bị dạy học phù hợp với nội dung bài giảng; trình bày bảng hợp lý, chữ viết, lời nói rõ ràng, chuẩn mực; kết hợp hướng dẫn thực hành với giáo dục phẩm chất tác phong nghề nghiệp. Lượng kiến thức được truyền đạt phù hợp với đối tượng giảng dạy; giáo viên thực hiện đầy đủ các khâu lên lớp, phân phối thời gian khá hợp lí ở một số nội dung; tổ chức điều khiển học sinh học tập tích cực.
Năng lực sư phạm, năng lực chuyên môn của mỗi nhà giáo được thể hiện qua từng tiết giảng. Hội giảng lần này đã có sự chuyển biến rõ rệt trong việc ứng dụng trang thiết bị và phương tiện dạy học hiện đại vào bài giảng. Phần lớn nhà giáo sử dụng phần mềm Powerpoint để hỗ trợ tiết giảng. Một số thầy, cô giáo có liên hệ thực tế gần gũi, dễ hiểu, mang tính giáo dục cao. Những tiết giảng này đã thể hiện rõ vai trò của người thầy đồng thời phát huy tính chủ động, tích cực sáng tạo của người học, từ việc tổ chức dạy học đến việc sử dụng phương pháp dạy học, lấy người học làm trung tâm và sử dụng phương pháp tổ chức cho người học làm việc theo nhóm. Khối các Trung tâm đã chọn cử nhiều nhà giáo trẻ lần đầu tham gia Hội giảng và có sự đầu tư, chuẩn bị tương đối kỹ. Giáo viên tham gia Hội giảng có tuổi lớn nhất là 54 tuổi, trẻ nhất là 25 tuổi.
Điểm mới của Hội giảng năm nay là Hội giảng không giới hạn số nghề đăng ký dự thi; nhà giáo tham gia Hội giảng chỉ thực hiện trình giảng, không kiểm tra nhận thức và xử lý tình huống sư phạm; các bài trình giảng tại Hội giảng bao gồm bài giảng lý thuyết, thực hành, tích hợp (đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp ở khối các trường) và bài giảng tích hợp (đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp ở khối các Trung tâm); mỗi nhà giáo tham gia Hội giảng phải chuẩn bị 03 bài giảng nói trên và bốc thăm để chọn 01 trong 03 bài giảng làm bài thi chính thức tại Hội giảng; việc đánh giá bài giảng được thực hiện ngay sau khi nhà giáo hoàn thành phần trình giảng,... Các giám khảo bình giảng tiết giảng bám sát nội dung tiêu chí đánh giá, chỉ ra những mặt mạnh cũng như hạn chế trong tiết giảng của mỗi giáo viên. Các bài giảng được đánh giá độc lập, khách quan theo từng tiêu chí đã quy định trong phiếu đánh giá.
Có thể nói chất lượng Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp lần này được nâng lên so với các kỳ Hội giảng trước, thể hiện qua kết quả bảng điểm của Ban giám khảo, đặc biệt ở khối trường. Hội giảng lần này là bước kế tục, hoàn thiện các phương pháp dạy học truyền thống và có bước phát triển mới trong phương pháp dạy học tích cực, từng bước đưa phương tiện hiện đại vào dạy học, chuẩn bị cho những đổi mới về phương pháp dạy học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiết giảng thật sự có chất lượng vẫn còn những tiết giảng chưa đạt yêu cầu về năng lực sư phạm cũng như năng lực chuyên môn. Một số tiết giảng, giáo viên sử dụng các phương tiện trợ giảng chưa thuần thục, hoặc quá lạm dụng vào phần mềm Powerpoint chiếu hình, chưa linh hoạt kết hợp trong việc giảng, ghi bảng và trình chiếu; phân phối thời gian không hợp lý giữa các nội dung trong tiết giảng; phương pháp dạy học còn chưa chú trọng rèn luyện học sinh để hình thành và phát triển năng lực trong sự phối hợp của thầy; một số giáo viên chưa vận dụng kỹ năng giao tiếp với học sinh, chưa thể hiện được tác phong sư phạm và kỹ năng ứng xử linh hoạt, chưa có nhiều câu hỏi mang tính gợi mở để học sinh độc lập tư duy và sáng tạo. Các câu hỏi mang tính phản biện chưa được chú trọng hoặc khơi gợi để học sinh trả lời…. Nguyên nhân một phần là vì Hội giảng diễn ra trong lúc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bận rộn vào dịp cuối năm học, các giáo viên tham gia Hội giảng thêm áp lực về công việc và thời gian. Hoặc do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ ngành giáo dục chuyển sang, lần đầu tiên tham gia Hội giảng, tiếp cận với những quy định và hướng dẫn còn nhiều khó khăn, chưa có nhiều kinh nghiệm.
Sau khi tham gia Hội giảng, bản thân mỗi giáo viên cũng cần tự nâng cao nhận thức của mình đối với việc giảng dạy. Hội giảng là đợt sinh hoạt chuyên môn thực sự có ý nghĩa và bổ ích, là nơi để mỗi nhà giáo tự học hỏi trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ và cũng là lúc để các nhà giáo thể hiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề để đồng nghiệp cùng trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Đây cũng là dịp để mỗi giáo viên vận dụng các kỹ năng dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo trong giảng dạy; kết hợp các phương pháp và phương tiện dạy học truyền thống cũng như hiện đại; là nơi để chia sẻ kinh nghiệm dạy học và nêu gương các cá nhân điển hình để có được những tiết dạy thành công. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là làm sao để những tiết dạy hay, có chất lượng từ Hội giảng sẽ được tiếp tục bổ sung và nhân rộng trở thành những tiết dạy hàng ngày trên lớp với quan điểm “Dạy là để học và học để dạy”. Có thể thấy rằng việc đổi mới phương pháp dạy học là phải đầu tư thời gian và công sức, là phải tìm tòi và sáng tạo. Vì thế cùng với sự thành công của quá trình dạy học không thể thiếu đi sự đam mê nghiên cứu, lương tâm và trách nhiệm của người thầy trong suốt cuộc đời làm nghề.
Minh Ngọc
Từ khóa:
-
Kiên quyết không để đối tượng xấu lừa đảo đưa lao động sang Úc làm việc bất hợp pháp
26-12-2024 16:48 16
-
Dấu ấn trong phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc
17-12-2024 15:35 11
-
Tăng cường kết nối cung – cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
17-12-2024 14:53 52
-
Thành phố Bắc Kạn: Đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động
20-12-2024 11:22 43
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm Yên Bái tăng cường kết nối cung – cầu lao động
26-12-2024 11:12 36
-
Nam Định: Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả
16-10-2024 10:52 50