Dự và Chủ trì hội nghị có đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Doãn Mậu Diệp; cùng lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố và 63 Sở Lao động - TBXH.
Quang cảnh hội nghịPhát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước ta đã xác định: phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba giải pháp chiến lược để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Trong cơ cấu nhân lực qua đào tạo, nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp chiếm tỷ trọng trên 80%. Công việc hết sức quan trọng của khâu đột phá chiến lược mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt là nâng cao chất lượng đào tạo. Trong giai đoạn 2016 - 2020, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đưa vào là nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu là đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn (1,4 triệu người học nghề nông nghiệp, 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp); trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3,84 triệu người) và yêu cầu là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Bộ Lao động - TBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg, trong đó, Bộ Lao động - TBXH là cơ quan thường trực Đề án…; Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan điều phối và hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp và hoạt động của Đề án; Chủ trì chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tổ chức đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Chủ trì chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn”.
Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc hội nghịBộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghịTrong 7 năm (2010 - 2016) thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, tổ chức thực hiện có kết quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Ban chỉ đạo Trung ương, các địa phương đã định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện. Đến nay, đã có trên 5 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó có gần 3,5 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg, với trên 40% học nghề nông nghiệp, gần 60% học nghề phi nông nghiệp. Sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt gần 80%. Nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học cho biết chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Doãn Mậu Diệp phát biểu tại hội nghịKết quả đó đã góp phần nâng tỷ lao động qua đào tạo từ 28% (có bằng chứng chỉ đạt 14,1%, khu vực nông thôn 8,4%) năm 2009 lên 53% (có văn bằng chứng chỉ đạt 22%, khu vực nông thôn 14,5%) năm 2016; nâng năng suất lao động xã hội từ 37,9 triệu đồng (nông nghiệp 14,1 triệu đồng) năm 2009 lên 84,5 triệu đồng (nông nghiệp 32,9 triệu đồng) năm 2016 và thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội từ 51,5% làm nông nghiệp năm 2009, xuống còn khoảng 44% năm 2015, giảm 7,5%.
Lãnh đạo Bộ Lao động - TBXH và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghịĐể đạt mục tiêu đến năm 2020 là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65 - 70% (có bằng chứng chỉ đạt 25%), giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn khoảng 40%, năng xuất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm, Bộ Lao động - TBXH đã đề ra 6 giải pháp quan trọng để triển khai trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 19-CT/TƯ ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009, Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015, Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về đào tạo nghề cho lao động thôn nói chung và đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn nói riêng trong giai đoạn 2016-2020. Chỉ đạo về đảm bảo nguồn lực trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và huy động các nguồn lực khác để triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có đào tạo nghề nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp có hiệu quả; các điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để phổ biến, nhân rộng. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức đào tạo nghề; trong đó, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể (Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh,…) tại cấp xã. Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các sở, ngành trong công tác xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực; có cơ chế thông tin, phối hợp cụ thể, rõ ràng để đảm bảo thông suốt, kịp thời; tránh chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ, công việc và định kỳ tổ chức sơ kết, giao ban đánh giá tình hình thực hiện...
Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh báo cáo tại hội nghịĐại diện UBND tỉnh Cao Bằng phát biểu trao đổi kinh nghiệm tại hội nghịTại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Bộ Lao động - TBXH báo cáo tổng quan về đào tạo nghề cho lao động nông và kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khái quát kết quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và kế hoạch năm 2017 cũng như giai đoạn 2016 - 2020. Lãnh đạo UBND một số tỉnh và các Sở Lao động - TBXH cũng đã phát biểu tham luận, trao đổi kinh nghiệp trong việc triển khai thực hiện công tác này tại địa phương và đưa ra một số kiến nghị trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào việc đề nghị rà soát lại danh mục nghề, xây dựng bổ sung chương trình, giáo trình các nghề phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn; ưu tiên bố trí kinh phí đào tạo nghề nông nghiệp cho các tỉnh và vùng khó khăn, đồng thời cần sơm xây dựng bộ hướng dẫn riêng thực hiện chính sách Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Chí Tâm