Hội nghị tri ân người có công với cách mạng toàn quốc năm 2024
(LĐXH)- Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), ngày 23/7, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội nghị Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.
Dự Hội nghị có các đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội. Các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ; Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an; Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương; Võ Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Hà Thị Nga, Chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam…
Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng; các Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, Lê Văn Thanh, Nguyễn Văn Hồi, Nguyễn Thị Hà cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và trên 400 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Thấm nhuần sâu sắc đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. 10 năm qua trở lại đây, cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Trong 6 năm gần đây, cả nước đã giải quyết căn bản trên 7.000 hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ. Trong đó phần lớn là liệt sĩ thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ; hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh…
“Những kết quả trên mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Góp phần xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện trách nhiệm đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc. Đây cũng là những nỗ lực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian vừa qua đối với công tác người có công” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết: Dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao và được các Bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sâu rộng.
“Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất, nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương, gần 200 ngàn liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300 ngàn liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người mẹ; những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình… ở đâu là những câu hỏi day dứt” – Bộ trưởng đau đáu.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng những tình cảm sâu nặng, lòng tri ân sâu sắc và lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất; bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta, người luôn đặc biệt quan tâm chăm lo công tác người có công với cách mạng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
“Biết bao người con đã mãi mãi không trở về, máu thịt các anh, các chị đã hòa quyện vào hồn thiêng sông núi. Có người được may mắn trở về nhưng đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam; không ít những đứa trẻ sinh ra trong hòa bình nhưng phải chịu rất nhiều thiệt thòi, mang trong người di chứng nặng nề của chiến tranh mà không có gì bù đắp được” – Thủ tướng xúc động nói.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Trong đó, phát huy mạnh mẽ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 14/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, để người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần "không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước ".
Bên cạnh đó, tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, thực hiện tốt các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhất là cho thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung đa dạng, sâu sắc, thiết thực, hiệu quả.
Cuối Hội nghị Thủ tướng mong người có công với cách mạng trên cả nước nói chung, tiếp tục phát huy truyền thống, ý chí tự lực, tự cường, cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, học tập và tu dưỡng, luôn là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Trần Thắng
-
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
25-07-2024 20:54 43
-
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
12-12-2024 13:11 23
-
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
31-12-2024 10:50 43
-
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
11-12-2024 16:15 34
-
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
13-12-2024 15:26 25
-
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
12-12-2024 14:22 48