Hội thảo báo chí về công tác cai nghiện ma túy trong tình hình mới
(LĐXH)-Trong hai ngày 15 và 16/3, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Văn phòng Thường trực (Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ) và Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin báo chí về công tác cai nghiện ma tuý trong tình hình mới (Khu vực phía Nam).
Các đại biểu tham dự hội thảo
Đổi mới điều trị, cai nghiện theo hướng thân thiện, tích cực
Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến ngày 15/11/2018, cả nước có 225.099 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý; tỷ lệ người sử dụng ATS (các loại ma túy tổng hợp) chiếm khoảng 60-70% trong tổng số người nghiện. Ở các tỉnh miển Trung và miền Nam, tỷ lệ sử dụng ATS có nơi lên đến 70 - 85%. Đáng báo động là tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma tuý ngày càng phổ biến; việc sử dụng ma tuý tổng hợp và các chất hướng thần gây rối loạn tâm thần “ngáo đá” dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật và gây ra các vụ án giết người vô cớ gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.
Tính đến tháng 11/2018, cả nước có 120 cơ sở cai nghiện, giảm 25 cơ sở so với năm 2014. Đến nay, tổng số người đang được điều trị cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện hơn 34.480 học viên; 28 tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện. Tuy nhiên, mới chỉ có 6 địa phương tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng với số người được cai nghiện là 4.320 người.
Tại hội thảo, các đại biểu và phóng viên báo chí đã nêu lên một số vấn đề về thực trạng tình hình công tác cai nghiện ma túy như bất cập trong quy định của Luật Phòng, chống ma tuý chưa tương thích với Luật Xử lý vi phạm hành chính; nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí và cơ sở vật chất cho cai nghiện tại cộng đồng để tổ chức các điểm tư vấn, điều trị cắt cơn, điều trị Methadone; người nghiện, gia đình người nghiện ma tuý không tự nguyện khai báo và đăng ký cai nghiện tự nguyện, không hợp tác với cơ quan chức năng trong việc lập hồ sơ cai nghiện; tình trạng người sử dụng ma túy gia tăng, độ tuổi sử dụng ngày càng trẻ hóa…
Trả lời câu hỏi của các phóng viên, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH cho biết, hiện nay, có khoảng gần 550 loại ma túy tổng hợp, mỗi loại có tính chất riêng. Về phác đồ điều trị, cai nghiện ma túy, Chính phủ giao cho Bộ Y tế chủ trì. Hiện nay, theo thông tin mới nhất, Việt Nam chúng ta đã có phác đồ điều trị, cai nghiện ma túy tổng hợp, khi công bố thì các ngành sẽ phối hợp tập huấn, triển khai cho cán bộ làm công tác y tế, trong đó có các cơ sở cai nghiện.
Về vấn đề đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, theo Thông tư liên tịch số 17 (Bộ công an - Bộ Y tế - Bộ LĐTBXH) thì phải xác định tình trạng nghiện để đảm bảo quyền con người và đảm bảo chính xác tình trạng bệnh sau khi người nghiện đã qua thời gian giáo dục tại tại xã phường và cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà vẫn tái nghiện (phụ thuộc ma túy). Riêng đối với người nghiện không có nơi cư trú ổn định sẽ tạm thời đưa vào Cơ sở xã hội ở địa phương, sau đó, nếu xác định tình trạng nghiện sẽ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Về việc quyết định đưa người nghiện vào cơ sở bắt buộc do Tòa án quyết định (chứ không phải là xét xử).
Ông Lê Đức Hiền chia sẻ thêm về vấn đề cai nghiện thành công, theo quan điểm của thế giới, cai nghiện thành công không phải là thống kê số người và số lần tái sử dụng ma túy mà là vấn đề sức khỏe, tinh thần của người nghiện đã “khá” hơn lần trước là bao nhiêu, như: giảm tần suất sử dụng, giảm liều lượng; ý thức, tinh thần tốt hơn, ít quậy phá hơn; sức khỏe có chuyển biến...
Vì vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đổi mới toàn diện công tác cai nghiện theo hướng thân thiện, tích cực với người nghiện ma túy; nghiên cứu, xây dựng các mô hình mới trong công tác cai nghiện ma túy, giảm số người điều trị tại các cơ sở cai nghiện, tăng số người được điều trị tại cộng đồng để từng bước giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy và ngăn ngừa có hiệu quả số người nghiện mới. Các cấp, các ngành, đoàn thể cần tổ chức hoạt động thiết thực, đặc biệt là vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong việc góp phần cảnh báo hiểm họa ma túy và kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ người nghiện ma túy.
Gắn cai nghiện với giáo dục, dạy nghề
Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, các đại biểu của các cơ quan, ban ngành và phóng viên báo chí đã có chuyến đi thực tế, tìm hiểu công tác điều trị, cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý số 3 thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương).
Với diện tích hơn 500 ha, hiện Cơ sở đang quản lý 1.270 học viên, trong đó: số học viên sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 86%. Cơ sở vật chất được xây dựng tương đối đầy đủ, phục vụ công tác điều trị, cai nghiện cho học viên như khu Quản lý học viên; khu dạy nghề - học văn hóa; khu vui chơi giải trí; khu lao động sản xuất... Trong quá trình điều trị, cai nghiện tại Cơ sở, học viên được đảm bảo về quyền con người như chế độ ăn (theo quy định mức 0,8 hệ số lương cơ sở), tiền quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân; tham gia các hoạt động học nghề, học văn hóa, vui chơi giải trí; lao động sản xuất (thu nhập bình quân năm 2018 là 483.000đ/người/tháng)... Đặc biệt, học viên còn được tham gia giáo dục chuyên đề, tư vấn tâm lý, sức khỏe; thăm gặp gia đình; giao ban nhóm, mạm đàm giá trị sống (gồm: Bảo vệ sức khỏe; Trách nhiệm công dân; Dự phòng tái nghiện; Trách nhiệm công dân (nâng cao); Dự phòng tái nghiện (nâng cao). Bên cạnh đó, học viên còn được cán bộ tư vấn tại Đội, lớp nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh từng người, giúp cho học viên ổn định về tâm lý, hiểu được khó khăn bản thân và giải pháp vượt qua nhằm giảm thiểu hành vi tiêu cực, phấn đấu trong học tập và lao động trở thành người có ích.
Từ quản lý thực tế, ông Trương Quang Nam, Giám đốc Cơ sở số 3 cho biết: Nhằm giúp học viên nhận thức đúng đắn về những vấn đề thường gặp trong cuộc sống, cán bộ, nhân viên thường xuyên hướng dẫn về kỹ năng phòng, chống tái nghiện. Cụ thể, Cơ sở đã chú trọng hướng dẫn những kỹ năng sinh hoạt tập thể để các học viên cai nghiện tự tin xây dựng lại cuộc sống của mình khi tái hoà nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, Cơ sở tổ chức dạy 4 nghề trình độ sơ cấp cho học viên, gồm: điện gia dụng, may công nghiệp, lắp ráp máy vi tính, sửa xe gắn máy để các học viên có thể chọn một nghề phù hợp với sức khỏe và điều kiện bản thân, khi trở về tạo lập được cuộc sống của mình, tránh những cám dỗ khi không có việc làm và đặc biệt hơn là tạo cơ hội cho người nghiện sớm hoàn lương, hòa nhập cộng đồng./.
Như Ngọc
Từ khóa:
-
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
08-01-2025 13:40 25
-
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
07-01-2025 15:07 35
-
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
07-01-2025 14:55 59
-
Dữ liệu giám sát hành trình ôtô sẽ do Cục CSGT quản lý
05-01-2025 16:16 53
-
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
05-01-2025 11:47 27
-
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
05-01-2025 09:50 37
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46