Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên, hiện nay, thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Sở có 182 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó: 136 TTHC cấp tỉnh, 30 TTHC cấp huyện, 17 TTHC cấp xã. Sở đã có văn bản đề xuất thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 82 TTHC cấp tỉnh, 18 TTHC cấp huyện, 05 TTHC cấp xã (tỷ lệ 57,06%); cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần đối với 34 TTHC cấp tỉnh, 09 TTHC cấp huyện và 08 TTHC cấp xã (tỷ lệ 27,71%).
Đến nay, kết nối liên thông đã dần đi vào nề nếp, giúp giảm thiểu chi phí đi lại cho cán bộ, công chức các cấp. Kết quả, trong 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tiếp nhận 2.036/9.321 hồ sơ người có công (tỷ lệ 21,8%). Năm 2023, tiếp nhận 4.002/8.275 hồ sơ người có công (tỷ lệ 48,4%), tăng 26,6% so với năm 2022.
Đối với TTHC “Thăm viếng mộ liệt sĩ”, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã hoàn thiện quy trình nội bộ giải quyết TTHC “Thăm viếng mộ liệt sĩ” (TTHC cấp huyện) trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh thực hiện cung cấp dịch vụ công toàn tỉnh đối thủ tục này (cấp giấy giới thiệu và thực hiện chi hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ)” trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Hưng Yên, làm cơ sở để cấp huyện thực hiện tiếp nhận và giải quyết trên Hệ thống một cửa điện tử tỉnh.
Về quản lý chương trình An sinh xã hội thông qua VneID, đối với đối tượng người có công, Sở đã thực hiện các bước để thu thập, làm sạch thông tin người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và đề nghị cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã phối hợp chặt chẽ để cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các cuộc họp nội bộ; lồng ghép tại các cuộc tập huấn chuyên môn cho cán bộ làm công tác lao động, người có công và xã hội các cấp. Trong năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 01 hội nghị tập huấn giải quyết trợ cấp mai táng phí khi người có công từ trần trên Phần mềm Cơ sở dữ liệu người có công. Sau khi tập huấn nghiệp vụ, các phòng chuyên môn của Sở thường xuyên phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các dịch vụ công liên thông; cập nhật TTHC trên Phần mềm Cơ sở dữ liệu người có công.
Tuy nhiên theo đánh giá, tỉnh Hưng Yên cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến lĩnh lực người có công như: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trong lĩnh vực người có công còn thấp. Việc triển khai thực hiện các dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” chưa phù hợp với chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, cụ thể: Theo Pháp lệnh ưu đãi người có công, có 12 đối tượng người có công với cách mạng. Trong đó có 11 đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng; khi từ trần, thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng phí, trợ cấp 1 lần, một số trường hợp được hưởng tuất hàng tháng. Tuy nhiên, Dịch vụ công liên thông trên chỉ giải quyết chế độ mai táng phí; còn trợ cấp 1 lần và trợ cấp tuất hàng tháng thì thân nhân người có công lại phải làm thêm 01 bộ hồ sơ theo thủ tục hành chính công của tỉnh. Như vậy, dịch vụ công liên thông trên chỉ phù hợp giải quyết mai táng phí đối với 01/12 đối tượng người có công với cách mạng (là người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương - Đối tượng người có công này không được hưởng trợ cấp hàng tháng, và cũng không có trong dữ liệu người có công theo Quy trình số 3936/NCC-QLHC ngày 08/6/2023).
Mặt khác, các đối tượng khi từ trần (Cựu chiến binh, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến…), thân nhân chỉ được hưởng trợ cấp mai táng phí thì chưa được áp dụng giải quyết mai táng phí theo dịch vụ công liên thông trên. Như vậy, dịch vụ công liên thông trên có phạm vi rất nhỏ hẹp trong việc giải quyết chế độ chính sách khi người có công và một số đối tượng khác từ trần thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Nguyên nhân là do đối tượng thuộc phạm vi quản lý của ngành chủ yếu là đối tượng yếu thế nên việc tiếp cận với công nghệ thông tin còn hạn chế. TTHC lĩnh vực người có công có nhiều liên thông, đặc biệt có một số thủ tục liên thông với các đơn vị quân đội nên việc thực hiện TTHC liên thông qua mạng gặp nhiều khó khăn. Đến nay, đa số các huyện vẫn chưa thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đối với TTHC “Thăm viếng mộ liệt sĩ” qua Hệ thống Một cửa điện tử tỉnh mà tiếp nhận hồ sơ trực tiếp từ thân nhân liệt sĩ tại UBND cấp xã và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục nghiên cứu để cải tiến TTHC liên thông “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng” để ngày càng khả dụng và phù hợp hơn với đối tượng người có công. Đối với UBND tỉnh, đề nghị tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (máy tính, máy in, mạng số liệu chuyên dùng) cho cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ cấp xã để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý, khai thác và cập nhật dữ liệu đối tượng./.
Hồng Phượng
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
BHXH TP.HCM không tổ chức làm việc ngoài giời vào sáng 11/1/2024
10-01-2025 19:53 38
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45
-
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
09-01-2025 08:39 32