Xã hội
Huyện Châu Thành: Tích cực triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo
10:54 AM 12/07/2024
(LĐXH) - Những năm qua, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, qua đó góp phần nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm.
Mô hình nuôi dê đang được huyện triển khai thực hiện 
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023, tổng dự toán vốn giao cho huyện Châu Thành là 4,89 tỷ đồng, đến hết năm đã giải ngân được 4,35/4,89 tỷ đồng, đạt 88,94% kế hoạch vốn giao. Qua giám sát cho thấy, nguồn vốn được thực hiện đảm bảo đúng theo hướng dẫn và người dân tham gia Chương trình đúng theo thành phần là người của hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Các đơn vị và xã, thị trấn được giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đều chấp hành tổ chức thực hiện tốt các quy định, các bước thực hiện từng nội dung của dự án và tiểu dự án.
Đối với Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tổng kinh phí là 2,028 tỷ đồng, huyện Châu Thành đã giao kinh phí cho 03 đơn vị làm chủ đầu tư xây dựng mô hình gồm: Thị trấn Ngã Sáu triển khai thực hiện mô hình “Nuôi dê”, kinh phí hỗ trợ 623 triệu đồng, có 20 hộ tham gia (trong đó có 10 hộ nghèo, 06 hộ cận nghèo và 04 hộ mới thoát nghèo). Kết quả đã giải ngân được 622,5 triệu đồng, đạt 99,93%; Thị trấn Mái Dầm xây dựng mô hình “Nuôi dê”, kinh phí hỗ trợ 841 triệu đồng, có 28 hộ tham gia (trong đó có 16 hộ nghèo, 02 hộ cận nghèo, 10 hộ mới thoát nghèo). Kết quả đã giải ngân 853,9 triệu đồng, đạt 99,99%; Xã Phú Tân xây dựng mô hình “Nuôi dê”, kinh phí hỗ trợ 564 triệu đồng, có 18 hộ tham gia (trong đó có 05 hộ nghèo; 03 hộ cận nghèo, 10 hộ mới thoát nghèo). Kết quả đã giải ngân được 563 triệu đồng, đạt 99,85%. Đến nay, mô hình đang được người dân ủng hộ và tham gia tích cực, phát huy được vốn hỗ trợ tạo tiền đề nhân rộng mô hình và giảm nghèo bền vững.
Các xã được hỗ trợ vốn đã tích cực giải ngân thực hiện mô hình
Thực hiện Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, trong đó đối với Tiểu dự án 1: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, tổng kinh phí 874 triệu đồng, huyện đã giao cho các đơn vị: Xã Phú Hữu kinh phí 242 triệu đồng xây dựng “Dự án theo biểu mẫu hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng”. Nội dung là hỗ trợ con giống bò, dê, lươn, kết quả giải ngân đạt 99,90%; Xã Đông Phước A kinh phí thực hiện 252 triệu đồng, xây dựng dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp”. Nội dung hỗ trợ con giống bò, dê, lươn, cây giống chanh không hạt, mít giống, phân hữu cơ; Xã Đông Thạnh kinh phí thực hiện 380 triệu đồng, xây dựng dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp”. Nội dung hỗ trợ con giống dê, cây giống chanh không hạt, mít giống. Kết quả đã giải ngân đạt 99,67%.
Bàn giao con giống nuôi dê, bò cho các hộ nghèo
Cùng với đó, trong năm 2023, huyện Châu Thành đã tổ chức đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp 07 lớp với 175 học viên. Hỗ trợ thu thập cơ sở dữ liệu người tìm việc; Hỗ trợ quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tổ chức 02 cuộc đối thoại chính sách giảm nghèo cho 212 người. Xây dựng và lắp đặt 02 cụm pano tuyên truyền giảm nghèo trên địa bàn 2 xã Phú Hữu và Phú Tân. Đồng thời tổ chức 04 hội nghị chuyên đề nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cấp xã, thị trấn, cán bộ không hưởng lương cán bộ ấp và cộng tác viên công tác xã hội về định hướng mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá Chương trình.
Nhìn chung, việc thực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở huyện Châu Thành đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành; vai trò của MTTQ và các hội, đoàn thể được phát huy; công tác tuyên tuyền nâng cao nhận thức trách nhiệm trong cán bộ và nhân dân được tăng cường, thực hiện liên tục và có hiệu quả. Các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo được Trung ương, tỉnh ban hành kịp thời đã giải quyết được các khó khăn, bức xúc của người dân; nguồn kinh phí bố trí thực hiện có tập trung và có lồng ghép trong tổ chức thực hiện. Các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi đã tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, làm thay đổi nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, tạo thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như: Việc huy động các tổ chức, cá nhân khác để thực hiện các dự án, tiểu dự án là rất khó khăn, đóng góp của người dân, cộng đồng trong thời gian thực hiện dự án rất hạn chế. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn quá ít, chưa có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất, chưa phát huy thế mạnh của địa phương, sản xuất còn nhỏ lẻ chưa tập trung.
Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức tự lực vươn lên trong cuộc sống của một bộ phận hộ nghèo chưa cao, vẫn còn suy nghĩ không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách; hộ tham gia không được giao vốn hỗ trợ bằng tiền mặt, nên ít đăng ký tham gia mô hình dự án giảm nghèo. Công tác vận động tuyên truyền chưa sâu rộng, một bộ phận cán bộ và nhân dân nhận thức về công tác giảm nghèo bền vững chưa đầy đủ. Một số chính sách ban hành có mức đầu tư thấp, đa phần mang tính hỗ trợ nên hiệu quả giảm nghèo thấp; các chính sách hỗ trợ sinh kế để phát triển sản xuất chưa nhiều, suất đầu tư thấp, tổ chức thực hiện gặp nhiều vướng mắc.
Để chương trình giảm nghèo được thực hiện hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về mục tiêu giảm nghèo bền vững, khơi dậy ý chí chủ động, tự vươn lên của người nghèo; tăng cường triển khai thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp. Tích cực huy động mọi nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, đảm bảo tính bền vững, lâu dài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Hồng Phượng