Huyện Đại Từ: Tạo điều kiện để người lao động tiếp cận thông tin thị trường lao động, việc làm
(LĐXH) - Thời gian qua, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) đặc biệt chú trọng công tác giảm nghèo, trong đó có vấn đề hỗ trợ việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giúp họ ổn định cuộc sống.
Huyện Đại Từ đang tập trung tổ chức Ngày hội việc làm, phiên giao dich việc làm lưu động
Trên cơ sở văn bản của Trung ương và của tỉnh, huyện Đại Từ đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Mục đích của Kế hoạch là nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế -xã hội tại địa phương; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động; Giải quyết việc làm mới cho lao động trên địa bàn huyện, đặc biệt là lao động nông thôn và lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng.
Bên cạnh đó, còn tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp xúc trực tiếp, trực tuyến với các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm nhằm giúp người lao động lựa chọn việc làm và ngành nghề đào tạo phù hợp. Tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động thói quen tìm việc làm, phỏng vấn và tuyển dụng lao động thông qua trang tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên: “vieclamthainguyen.gov.vn” và tại Sàn giao dịch việc làm Thái Nguyên.
Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch là từ nguồn của Chương trình mục tiêu quốc giảm nghèo bền vững năm 2023 theo Quyết định số 1491/QĐ-UBND ngày 05/4/2023 của UBND huyện về việc cấp bổ sung kinh phí cho các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn; Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên cấp cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên. Nguồn kinh phí ngân sách và Chương trình mục tiêu quốc gia đã giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên năm 2023. Theo Kế hoạch, huyện Đại Từ sẽ triển khai tổ chức 02 Ngày hội việc làm cấp huyện và các phiên giao dịch việc làm cấp xã (mỗi phiên giao dịch việc làm mời từ 100 đến 150 lao động trong độ tuổi để tham dự, ưu tiên người lao động là người dân tộc thiểu số và người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo).
Triển khai Kế hoạch, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp chỉ đạo các ngành, đoàn thể của địa phương tuyên truyền sâu rộng; cử cán bộ, người lao động và nhân dân tham gia Ngày hội việc làm cấp huyện, Phiên giao dịch việc làm cấp xã và các hoạt động tập huấn, tuyên truyền đúng thời gian, thành phần theo Kế hoạch. Tổ chức thông tin tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã, thị trấn và các xóm, tổ dân phố để người dân có nhu cầu tìm kiếm việc làm đến tham dự Ngày hội việc làm cấp huyện và các Phiên giao dịch việc làm. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Phòng Lao động - TBXH và các đoàn thể huyện chuẩn bị các nội dung cần thiết, phân công cán bộ phối hợp để tổ chức các Phiên giao dịch việc làm lưu động an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên tiến hành khảo sát nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, đặc biệt lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số tham gia các Phiên giao dịch tại địa phương. Vận động người lao động ở địa phương, đặc biệt ưu tiên người lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số tham dự Ngày hội, phiên giao dịch việc làm cấp xã.
Thực hiện Kế hoạch, ngày 14/9/2023, huyện Đại Từ đã tổ chức Ngày hội việc làm năm 2023, với các hoạt động như: kết nối cung - cầu lao động trực tiếp và trực tuyến, gồm: tư vấn, giới thiệu việc làm, nghề học; tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm; phỏng vấn, kết nối tuyển dụng lao động, kết nối tuyển sinh đào tạo nghề, giáo dục đại học... Ngày hội đã thu hút 19 doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh, các cơ sở đào tạo nghề, trường cao đẳng, đại học tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyển sinh, với hàng nghìn vị trí tuyển dụng thuộc các lĩnh vực khoáng sản, may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử... Trong đó có một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động không giới hạn, như: Công ty CP Quốc tế Sk Fly, Công ty CP Hợp tác quốc tế Hashi Việt Nam…
Còn đối với việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, điển hình ngày 29/8/2023, huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái nguyên tổ chức Phiên giao dịch việc làm tại xã Phục Linh với sự tham gia của hơn 100 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo của xã và các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn huyện; đại diện cấp ủy, chính quyền, các ngành đoàn thể từ xã đến xóm.
Tại đậy, người lao động được tư vấn giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động; Tuyên truyền về Luật BHXH. Cụ thể: thông tin, truyền thông chủ trương, chương trình và chính sách ưu đãi của Chính phủ, của tỉnh trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là người lao động là người dân tộc thiểu số và người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tuyên truyền thông tin về lao động - việc làm trong nước, nhu cầu tuyển dụng lao động, tuyển sinh đào tạo nghề, chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đào tạo nghề, bảo hiểm thất nghiệp và thông tin thị trường lao động cho người lao động và người sử dụng lao động… Các doanh nghiệp tham gia đã tổ chức tư vấn, giới thiệu và trực tiếp phỏng vấn, tuyển sinh, tuyển dụng lao động.
Theo đại diện Phòng Lao động - TBXH huyện Đại Từ, tính đến cuối năm 2022, huyện còn 2.931 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,71%; 2.593 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,05%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong năm 2023, huyện được phân bổ 9.882 triệu đồng, trong đó đối với Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững, huyện được phân bổ kinh phí 1.001 triệu đồng, để thực hiện các nội dung: Tổ chức tuyên truyền, thông tin về thị trường lao động; Tổ chức các hoạt động giới thiệu việc làm; Thực hiện công tác chuẩn hóa, nhập dữ liệu, quản lý và khai thác dữ liệu trên phần mềm quản lý cung, cầu lao động./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
Thái Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động
11-11-2024 11:03 25
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48
-
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
03-10-2024 15:25 42
-
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
26-07-2024 12:46 25