Huyện Định Hóa: Hỗ trợ phát triển sản xuất giúp người dân thoát nghèo
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đang tập trung thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND huyện Định Hóa đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia; ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị, thành viên để tập trung lãnh, chỉ đạo; thành lập Tổ công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các xã, thị trấn đều thành lập Ban quản lý thực hiện Chương trình cấp xã.
UBND huyện đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Định Hóa; ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện hằng năm (năm 2022, 2023, 2024). Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân năm 2022 là 6,0%; hộ cận nghèo 3,06 %; đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống dưới 10%; các năm tiếp theo, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 1,2% trở lên; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm hàng năm từ 1,0% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.
Tổng kinh phí được phân bổ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2024 là 21,1 tỷ đồng. Kinh phí được quản lý, sử dụng theo đúng quy định, đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả thực hiện. Các hoạt động của Chương trình được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện theo đúng Kế hoạch đề ra.
Thực hiện dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tổng số vốn được phân bổ là 9 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là 1,78 tỷ đồng; năm 2023 là 3,34 tỷ đồng; năm 2024 là 3,93 tỷ đồng. Số kinh phí đã giải ngân là 5,12 tỷ đồng. Kết quả, huyện đã phê duyệt tổng số 27 phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, trong đó: Năm 2022 phê duyệt 10 phương án; năm 2023 là 17 phương án. Các loại hình gồm: Chăn nuôi 25 phương án, trồng trọt 02 phương án. Tổng số hộ hưởng lợi từ dự án là 340 người, trong đó: Hộ nghèo 147; hộ cận nghèo 141 hộ; hộ mới thoát nghèo 52 hộ.
Đối với Dự án 3. Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, trong đó có Tiểu dự án 1. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, tổng số vốn đã được phân bổ là 421 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là 917 triệu đồng; năm 2023 là 1,56 tỷ đồng; năm 2024 là 1,72 tỷ đồng. Số kinh phí đã giải ngân là 2,48 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, huyện Định Hóa đã phê duyệt 09 phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, trong đó năm 2022 phê duyệt 03 phương án; năm 2023 là 06 phương án, với loại hình chăn nuôi. Tổng số hộ hưởng lợi từ dự án là 131 hộ, trong đó: Hộ nghèo 77 hộ; hộ cận nghèo 28 hộ; hộ mới thoát nghèo 26 hộ.
Như vậy, tính chung kết quả trong năm 2022, 2023, toàn huyện đã phê duyệt tổng số 36 phương án phát triển sản xuất cộng đồng với 471 hộ được hưởng lợi từ các dự án (224 hộ nghèo, 169 hộ cận nghèo, 78 hộ mới thoát nghèo). Các phương án sản xuất gồm: Chăn nuôi gà, nuôi trâu, bò, dê sinh sản; hỗ trợ máy móc chế biến chè và sản xuất lúa J02... Các đối tượng tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được tham gia xây dựng và tham gia các hoạt động của dự án; thực hiện đối ứng theo quy định. Họ rất vui mừng, phấn khởi khi được nhận hỗ trợ, đồng thuận với chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng tại các xã đã về đích nông thôn mới gặp khó khăn do tỷ lệ đối ứng và tỷ lệ quay vòng vốn cao.
Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện trong thời gian qua đã đạt được những hiệu quả nhất định, giúp người nghèo có việc làm, phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, huyện Định Hóa đề xuất với các cấp có thẩm quyền tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2026 - 2030 với một số điểm điều chỉnh so với giai đoạn 2021 – 2025, trong đó kinh phí thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2026 - 2030 được đảm bảo từ kinh phí trung ương; tỉnh và huyện không thực hiện đối ứng. Kinh phí thực hiện Chương trình hằng năm là 8 tỷ đồng, trong đó đối với Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo kinh phí 4 tỷ đồng; Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng kinh phí 2,1 tỷ đồng (Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp kinh phí 1,6 tỷ đồng)./.
Minh Anh
Từ khóa:
-
Thành phố Lào Cai làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công
21-12-2024 20:16 01
-
Quảng Bình: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp giảm nghèo bền vững
21-12-2024 16:58 49
-
Bình Định: Tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo
21-12-2024 16:58 40
-
Nam Định: Lan toả sâu rộng phong trào hỗ trợ nhà cho người nghèo
16-12-2024 14:16 32
-
Chương trình “Kết nối những vòng tay” – Chủ đề Tết cho trẻ em nghèo năm 2024: Món quà yêu thương dành cho Trường Mầm non xã Diễn Yên
20-12-2024 07:34 08
-
“Mùa xuân cho em” lần thứ 18 tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn
20-12-2024 07:19 40
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00