Xã hội
Huyện Phù Cát: Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
01:59 PM 30/09/2024
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) đang chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình, với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản giải quyết vấn đề nghèo của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn (bao gồm về thu nhập và các chiều thiếu hụt).
Nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo đang được huyện thực hiện nhằm mục tiêu trong năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo 2,01%
Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh, huyện Phù Cát đã ban hành Kế hoạch về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2024- 2025- 2024. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững qua các phương tiện truyền thông, giúp cho nhân dân, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đó nỗ lực phấn đấu lao động sản xuất từng bước tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo.

UBND huyện giao chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cho các xã, thị trấn năm 2024 là 2,01%/năm với 1.129 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cuối năm 2024 còn 4,44% với 2.489 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó: Hộ nghèo còn 267 hộ, chiếm tỷ lệ 0,48%, với 1.032 hộ thoát nghèo; Hộ cận nghèo còn 2.222 hộ, chiếm tỷ lệ 3,96%, với 97 hộ thoát cận nghèo. Dự kiến giảm nghèo năm 2025 là 1,70%/năm với 950 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Kết quả triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu Dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong đó đối với Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tính đến tháng 7/2024, có 18/18 xã, thị trấn đăng ký danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia dự án chăn nuôi bò sinh sản. Qua đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã tiến hành kiểm tra thực tế có 265 hộ đủ điều kiện tham gia dự án. Hiện Trung tâm đang triển khai thực hiện các bước tiếp theo để xây dựng dự án.

Về Dự án 3. Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, trong đó đối với Tiểu Dự án 1. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã phê duyệt 18 dự án chăn nuôi bò sinh sản tại 18 xã, thị trấn với 150 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia.

Thực hiện Dự án 4. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, huyện Phù Cát đang tập trung đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp huyện đang tiến hành tuyển sinh các lớp. Năm 2023 đã tổ chức khai giảng và đang đào tạo 02 lớp đào tạo nghề với tổng kinh phí là 136,4 triệu đồng. Năm 2024, Phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp huyện tuyển sinh, tính đến ngày 16/5 đã tổ chức khai giảng và đang đào tạo 08 lớp đào tạo nghề tại các xã với tổng kinh phí là 1.062 triệu đồng. Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định tổ chức 18 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, với 900 lượt người tham gia; triển khai thu nhập và nhập tin dữ liệu lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung. Đầu năm 2024, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện thực hiện cho 2.342 lượt hộ vay vốn ưu đãi, kinh phí thực hiện 81.284 triệu đồng. Thông qua nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi của Nhà nước, nhiều địa phương đã thực hiện giải quyết cho vay hộ khó khăn về kinh tế, hộ gia đình có nhu cầu sản xuất kinh doanh. Nhiều hộ vay vốn đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả trong sản xuất, nên đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo ở từng địa phương. Trong 06 tháng đầu năm 2024, thực hiện cấp thẻ BHYT cho 14.206 đối tượng, trong đó: đối tượng thuộc diện hộ nghèo là 2.777 người; cận nghèo là 5.855 người; hộ thu nhập có mức sống trung bình là 5.723 người. Đầu năm 2024, UBND huyện đăng ký hỗ trợ nhà ở cho 60 hộ nghèo, hộ cận nghèo (xây dựng mới: 40 hộ, sửa chữa: 20 hộ). Ngoài ra, còn có các chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Thi đua khen thưởng...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giảm nghèo vẫn còn hạn chế, khó khăn là: Một bộ phận nhân dân, đặc biệt là người nghèo chưa nhận thức đúng về trách nhiệm của chính mình, đa số họ là những người ngoài độ tuổi lao động, đau ốm, bệnh nặng, trẻ em trong hộ nghèo, hộ cận nghèo còn đi học… nên còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Số hộ tuy không thuộc hộ nghèo nhưng thu nhập và mức sống sát với chuẩn nghèo sẽ gây khó khăn cho những năm tiếp theo.

Thời gian tới, huyện Phù Cát sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác giảm nghèo; xác định mục tiêu giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của địa phương cần ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện hàng tháng, quý, năm. Chỉ đạo rà soát lập danh sách cụ thể từng hộ và thành viên của hộ theo các nguyên nhân nghèo, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ đối với người nghèo; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, nhất là Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để thực hiện tốt công tác giảm nghèo; chú trọng đối tượng người nghèo nhưng phải có sự điều phối, để làm sao tất cả hộ nghèo đều được nhận sự quan tâm hỗ trợ.

  1. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về giảm nghèo với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo phải tự mình phấn đấu vươn lên thoát nghèo là chính. Nâng cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với công tác giảm nghèo bền vững. Tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”./.
  2. Hồng Phượng
Từ khóa: