Xã hội
Huyện Phụng Hiệp: Chú trọng công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội
06:14 PM 13/06/2024
(LĐXH) - Giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước. Tại huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm chăm lo đến an sinh xã hội, giảm nghèo, đảm bảo mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ thiết yếu.
Các xã, thị trấn trong huyện đang tập trung triển khai dự án mô hình giảm nghèo
Bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp cho biết: Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023, huyện được giao tổng kinh phí 18,8 tỷ đồng, gồm kinh phí chuyển nguồn từ năm 2022 và kinh phí bố trí thực hiện năm 2023. Trong đó ngân sách trung ương là 17,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 1,39 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2023, tổng kinh phí đã giải ngân là 14,16 tỷ đồng (gồm ngân sách trung ương 3,39 tỷ đồng, ngân sách địa phương 764,6 triệu đồng). Tỷ lệ giải ngân đạt 75,15% so với tổng nguồn vốn phải thực hiện năm 2023.
Huyện đã kịp thời ban hành các văn bản thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, đảm bảo đúng theo quy định; chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai thực hiện đồng bộ các dự án, tiểu dự án của chương trình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình giảm nghèo bằng các hình thức phù hợp đến đối tượng thụ hưởng chính sách; phân công các ngành phối hợp với đoàn thể giám sát, giúp  đỡ, hướng dẫn hộ tham gia dự án. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các cuộc giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách giảm nghèo từ huyện đến các xã, thị trấn.
Từ nguồn vốn được phân bổ, huyện đã triển khai thực hiện Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, với nguồn ngân sách Trung ương bố trí 8,97 tỷ đồng; đã giao dự toán kinh phí cho 14/15 xã, thị trấn. Đến nay đã có 14/15 xã, thị trấn triển khai xây dựng mô hình và được phê duyệt dự toán với tổng kinh phí 17,49 tỷ đồng, trong đó: kinh phí ngân sách giao là 8,97 tỷ đồng, còn lại người dân tham gia mô hình đối ứng; có 24 dự án mô hình giảm nghèo với 321 hộ tham gia, gồm 228 hộ nghèo, 81 hộ cận nghèo, 12 hộ mới thoát nghèo. Nội dung chủ yếu là hỗ trợ vật tư, nguyên liệu, giống cây  trồng, vật nuôi. Ở một số mô hình như: nuôi thủy sản, chăn nuôi bò, heo, dê… đến nay, các xã, thị trấn đã giải ngân 7,77/8,97 tỷ đồng, đạt 86,63%.
Hộ nghèo được hỗ trợ vật tư, nguyên liệu để thực hiện mô hình sinh kế
Đối với Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, huyện đã phân bổ cho 05 đơn vị, xây dựng 11 dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; tổng kinh phí phê duyệt là 7,67 tỷ đồng (trong đó kinh phí ngân sách hỗ trợ 3,96 tỷ đồng, kinh phí người dân tham gia mô hình đối ứng 3,71 tỷ đồng), có 99 hộ tham gia, gồm 64 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo và 05 hộ mới thoát nghèo.
Song song với đó, huyện Phụng Hiệp cũng tập trung thực hiện Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức đào tạo nghề lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong năm 2023 đã tổ chức 15 lớp đào tạo nghề, trong đó có 08 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và 07 lớp phi nông nghiệp; có 375 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận  nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia, đã giải ngân tổng kinh phí 888,8 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 60,88%.
Đến nay đã có 14/15 xã, thị trấn triển khai xây dựng mô hình và được phê duyệt dự toán với tổng kinh phí 17,49 tỷ đồng
Đồng thời thực hiện thu thập cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc và khảo sát, thu thập thông tin phục vụ phân tích, dự báo thị trường lao động; tổ chức các lớp tập huấn, thu thập, cập nhật thông tin người lao động cư trú trên địa bàn quản lý tích hợp thông tin vào phần mềm quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đẩy mạnh công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.
Nhìn chung, việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo được huyện Phụng Hiệp đặc biệt quan tâm. Các phòng, ban chuyên môn và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã chủ động triển khai thực hiện các dự án/tiểu dự án của chương trình giảm nghèo. Huyện thường xuyên đôn đốc các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đảm bảo kế hoạch đề ra. Một số địa phương đã chủ động nghiên cứu, cập nhật, áp dụng các văn bản quy định, hướng dẫn mới của Trung ương và của tỉnh để thực hiện các dự án trên địa bàn nên sớm phê duyệt dự án và giải ngân kinh phí.
Tuy nhiên, bên cạnh đó huyện Phụng Hiệp cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Đối với Tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng khó khăn theo quy định đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ có thu nhập thấp. Hiện nay, chưa có hướng dẫn hộ có thu nhập thấp nên các đối tượng này chưa tiếp cận được chính sách trên, từ đó tỷ lệ giải ngân kinh phí thuộc Tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng khó khăn đạt thấp. Huyện giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn rà soát nhu cầu đào tạo nghề cho đối tượng thuộc Chương trình MTQG  giảm nghèo. Qua rà soát, các xã, thị trấn không có nhu cầu đào tạo nghề cho lao động thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo. Từ đó, huyện khó giải ngân kinh phí đã được phân bổ.
Trên cơ sở đó, huyện đề xuất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác giám sát Chương trình MTQG giảm nghèo; tập huấn thực hiện mô hình đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hướng dẫn cụ thể chi hỗ trợ cho người dân./.
 
Hồng Phượng