Huyện Thanh Thủy: Đào tạo nghề gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 5-11-2012, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm đáp ứng yêu cầu lao động trong thời kỳ mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 19- CT/TW, thời gian qua huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ đã chủ động bám sát các nội dung của Chỉ thị, văn bản chỉ đạo hướng dẫn của tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tế của địa phương.
Đến nay các xã, thị trấn trong huyện đều có kế hoạch về đào tạo nghề gắn với phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tích cực tuyên truyền, tư vấn học nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn dựa trên nhu cầu thực tế, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó huyện còn chỉ đạo thực hiện các hội thảo: “Khởi sự doanh nghiệp và vấn đề việc làm cho lao động nông thôn", “Du lịch Đảo Ngọc và cơ hội việc làm cho lao động nông thôn huyện Thanh Thủy"... nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người lao động gặp gỡ trao đổi thông tin về việc làm và nhu cầu tuyển dụng lao động.
Đáng chú ý huyện Thanh Thủy đã gắn đào tạo nghề với phát triển làng nghề, với các ngành trọng điểm, mũi nhọn theo quy hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh đào tạo nghề phi nông nghiệp; đào tạo nghề nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao... Công tác xã hội hóa đào tạo nghề, truyền nghề được chú trọng.
Việc rà soát xác định nhu cầu đào tạo, nghề đào tạo được thực hiện thường xuyên đã giúp cho các cơ sở dạy nghề trong huyện điều chỉnh kịp thời việc tuyển sinh, xây dựng giáo trình giáo án và mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu nhiệm vụ được giao. Toàn huyện có 2 cơ sở dạy nghề, đó là: Trung tâm dạy nghề Sông Đà, Trung tâm GDNN - GDTX huyện.
Những năm qua, các cơ sở này từng bước được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ưu tiên quỹ đất... đảm bảo hoạt động hiệu quả; phương pháp đào tạo được đổi mới theo hướng giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành, trang bị cho người học các kiến thức, kỹ năng làm nghề, kỹ năng làm việc theo tổ nhóm, kiến thức kinh doanh, hiểu biết pháp luật lao động, an toàn lao động … nên chất lượng dạy nghề không ngừng nâng lên.
Ngoài ra huyện còn vận dụng thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động nông thôn học nghề, nhất là các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị thu hồi đất nông nghiệp. Hệ thống ngân hàng Chính sách xã hội đã tích cực triển khai chính sách tín dụng để người lao động sau học nghề được vay vốn tự tạo việc làm, mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Nhờ triển khai nghiêm túc, đồng bộ từ huyện tới các xã, thị trấn nên đã tạo được sự quan tâm, đồng thuận của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nhiều lao động trong độ tuổi đã chủ động tìm hiểu, chọn lựa nghề, đăng ký học nghề phù hợp với điều kiện khả năng của bản thân, gắn học nghề với tìm việc làm và tự tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống. Mỗi năm trên địa bàn huyện thường mở từ 15 - 20 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn.
Trong 5 năm qua (2011-2016) tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề trong toàn huyện là: 9.560 người, trong đó tỷ lệ học nghề phi nông nghiệp chiếm 42%; còn lại nghề nông nghiệp; lao động qua đào tạo nghề của toàn huyện đạt gần 60%. Công tác đào tạo đi đôi với giới thiệu, giải quyết việc làm, nhờ đó số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là: 7.648 người, đạt tỷ lệ 80 %. Nhiều lao động nông thôn sau đào tạo nghề đã áp dụng kiến thức, kỹ năng nghề vào sản xuất và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Nhiều địa phương đã phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh với quy mô gấp nhiều lần so với trước khi học nghề như: Trồng và nhân giống nấm ở xã Đồng Luận, Đoan Hạ; nuôi cá lồng trên Sông Đà ở các xã: Đoan Hạ, Bảo Yên, Xuân Lộc; nuôi lợn thương phẩm ở xã Trung Nghĩa, Trung Thịnh… tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nông dân, giúp giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 19, công tác đào tạo nghề ở Thanh Thủy vẫn còn một số hạn chế như: Cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nghề nhất là các nghề phi nông nghiệp; một bộ phận lao động, đa phần là lao động trẻ chưa mặn mà với các lớp dạy nghề ngắn hạn, có tư tưởng muốn “làm thầy hơn làm thợ” khiến công tác tuyển sinh gặp khó khăn; kinh phí hỗ trợ lao động học nghề theo Đề án 1956 do 2 năm trở lại đây được lồng ghép vào vốn nông thôn mới nên rất hạn hẹp, nguồn ít trong khi nhu cầu hỗ trợ đào tạo nghề lớn.
Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân ở một số địa phương về vai trò của đào tạo nghề cho lao động nông thôn tuy đã có chuyển biến nhưng cũng chưa thật đầy đủ, sâu sắc, có nơi tham gia còn hình thức.
Thời gian tới, huyện Thanh Thủy tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao nhận thức trách nhiệm của chính quyền các cấp và ngay với bản thân người lao động trong học nghề, làm nghề hiện nay; phân loại đối tượng, lứa tuổi lao động để làm tốt công tác tư vấn chọn nghề cho phù hợp, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nghề làm theo hướng trang bị kiến thức, kỹ năng nghề gắn với tạo nghề tại chỗ để giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo; vận dụng các chương trình tín dụng cho vay vốn phát triển sản xuất sau học nghề; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; thúc đẩy phát triển ngành nghề, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn...
Có như vậy mới giải quyết tốt bài toán nâng cao chất lượng lao động, đưa tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề của huyện đạt mục tiêu đề ra và không ngừng nâng cao đời sống cho người lao động ở khu vực nông thôn.
Mai Phương
Từ khóa:
-
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
03-01-2025 15:24 00
-
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
12-12-2024 18:13 43
-
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động
31-12-2024 11:23 09
-
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
30-12-2024 13:34 40
-
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
14-12-2024 13:41 08
-
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
23-12-2024 13:21 20