Xã hội
Huyện Yên Sơn (Bắc Giang): Hỗ trợ người có công phát triển kinh tế
09:38 AM 02/08/2020
(LĐXH) – Thời gian qua, huyện Yên Sơn (tỉnh Bắc Giang) đã thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi, quan tâm và chăm lo cho gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công. Cũng từ đó, tinh thần tri ân người có công ngày càng được lan tỏa bằng những chính sách, việc làm thiết thực.
Trong những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công thuộc diện hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hàng tháng, việc chi trả trợ cấp chính sách đối với người có công luôn được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên thăm hỏi, rà soát các đối tượng thuộc diện hộ chính sách nghèo để kịp thời hỗ trợ. Trong đó có hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã vận động xây mới và sửa chữa hơn 100 nhà ở cho hộ chính sách, người có công, trị giá gần 2 tỷ đồng. 
Mẹ Việt Nam anh hùng Lương Thị Hồng, 84 tuổi ở thôn Trò, xã Công Đa có 1 người con hy sinh tại chiến trường biên giới Tây Nam và 1 người hy sinh tại chiến trường biên giới phía bắc. Hiện nay, bên cạnh việc hưởng trợ cấp hàng tháng, mẹ luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc về cả vật chất lẫn tinh thần của các cơ quan, đơn vị, địa phương, giúp mẹ có động lực hơn trong cuộc sống. Năm 2019, gia đình được hỗ trợ 100 triệu đồng để xây dựng bếp, chuồng trại chăn nuôi và hỗ trợ con giống để phát triển sản xuất.
Gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Lương Thị Hồng được hỗ trợ con giống để phát triển sản xuất
Toàn huyện Yên Sơn hiện có trên 1.200 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện luôn xác định phải chăm lo tốt nhất cho người có công để đền đáp công lao to lớn mà họ đã đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công, vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ sửa chữa và làm mới nhà ở, hỗ trợ về vốn, giống vật nuôi, cây trồng,… Đây là những hoạt động được thực hiện thường xuyên, kịp thời, góp phần động viên, giúp đỡ các gia đình chính sách vươn lên, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong năm 2019, toàn huyện đã huy động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được gần 500 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, cùng với ngân sách của huyện, các địa phương và sự đóng góp công sức của các tổ chức đoàn thể, nhân dân, đã hỗ trợ được 10 gia đình chính sách người có công sửa chữa nhà ở, mua cây con giống, tổng trị giá 560 triệu đồng; hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình chính sách người có công mua đồ dùng thiết yếu trị giá 99 triệu đồng, hỗ trợ cho 11 đối tượng người có công ốm đau, phải nằm viện với số tiền là 11 triệu đồng để mua thuốc điều trị...
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, từ nguồn Quỹ đền ơn đáp nghĩa huyện đã thăm hỏi tặng quà cho 14 đối tượng chính sách người có công tiêu biểu, trị giá 9,8 triệu đồng;  tặng 3 suất quà cho hộ gia đình có người đang làm việc tại biên giới hải đảo, với kinh phí 1,5 triệu đồng. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 42 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn huyện có 1.033 đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hưởng hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh covid 19, tổng kinh phí hỗ trợ là 1.549,5 triệu đồng. 
Vườn bưởi của ông Cao Xuân Sinh, thương binh hạng 4/4, xã Thắng Quân (Yên Sơn) đã giúp gia đình ông vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, huyện luôn xác định, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người lao động là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo, trong đó có hộ gia đình chính sách, người có công. Hàng năm, các xã đã tổ chức lớp tập huấn, lớp dạy nghề ngắn hạn cho người dân, ưu tiên đặc biệt các đối tượng chính sách, người có công. Nhiều lao động đã phát triển nghề được học, đem lại thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.
Ông Cao Xuân Sinh, thôn Văn Lập, xã Thắng Quân là thương binh hạng 4/4. Ông Sinh nói, ông được tham gia lớp tập huấn về trồng cây ăn quả tại xã. Từ vốn kiến thức được học, ông đã mạnh dạn mua cây bưởi, cây thanh long về trồng. Hiện nay, nhà ông có 200 gốc bưởi, 50 gốc thanh long. Nhờ được cán bộ khuyến nông xã thường xuyên đến chuyển giao khoa học kỹ thuật nên vườn cây phát triển tốt, trừ chi phí mỗi năm ông thu lãi trên 100 triệu đồng. Với nguồn thu nhập ổn định, trong năm 2017, gia đình ông đã thoát nghèo.
Bên cạnh hỗ trợ kiến thức, khi tham gia các lớp học nghề, hộ chính sách, người có công còn được tạo điều kiện về mọi mặt. Trong đó, có hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế. Ông Ma Văn Cẩn, thương binh hạng 2/4, xã Trung Trực được tham gia lớp học nghề kỹ thuật trồng trọt tại xã. Sau đó, ông được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 40 triệu đồng phát triển kinh tế. Với kiến thức được học, ông đã đầu tư vốn trồng cây bưởi. Năm 2018, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo.
Thời gian tới, huyện Yên Sơn sẽ tập trung đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội cùng tham gia chung tay góp sức, chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống của gia đình chính sách người có công; triển khai phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" một cách sâu rộng, mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân./.

Hà Giang

 

Từ khóa: