Lao động
Kết nối giao thương, trưng bày và giới thiệu sản phẩm dược liệu
10:06 PM 08/12/2024
(LĐXH)- Sáng 6/12, tại TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa Hội nghị "Kết nối Giao thương, Trưng bày và Giới thiệu Sản phẩm Dược liệu 2024" chính thức khai mạc. Đây là sự kiện quan trọng với sự tham gia của các hợp tác xã sản xuất dược liệu, doanh nghiệp xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, cùng các chuyên gia trong Ngành Dược liệu.
 Hội nghị do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương chủ trì, với sự đồng hành của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế, Viện Dược liệu Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế. Hội nghị “Kết nối giao thương, trưng bày và giới thiệu sản phẩm dược liệu năm 2024” nhằm tạo cơ hội giao lưu, kết nối giữa các HTX sản xuất dược liệu với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại. Đồng thời, quảng bá sản phẩm dược liệu Việt Nam, phát triển thương hiệu và mở rộng kênh phân phối. Các địa phương chia sẻ các mô hình hợp tác sản xuất, tiêu thụ dược liệu theo chuỗi giá trị bền vững, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm dược liệu trong nước.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội nghị "Kết nối Giao thương, Trưng bày và Giới thiệu Sản phẩm Dược liệu 2024"
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, ngành dược liệu được xác định là lĩnh vực ưu tiên phát triển với những chính sách đặc thù, nhằm thúc đẩy sản xuất, bảo quản, chế biến và giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Theo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng đặt mục tiêu xây dựng các vùng trồng dược liệu quy mô lớn và bền vững, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thuốc sản xuất trong nước.
Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể, đặc biệt là các HTX, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành dược liệu. Cả nước có hơn 600 HTX sản xuất dược liệu, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Những sản phẩm dược liệu đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao như sâm Ngọc Linh, bạch quả, cà gai leo, tam thất, rau má... đã không chỉ khẳng định vị thế trong nước mà còn mở ra cơ hội lớn trên thị trường quốc tế.
Các đại biểu tham quan các gian hàng
Để ngành dược liệu trở thành ngành kinh tế kỹ thuật bền vững và đáp ứng nhu cầu thị trường, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh phát triển các vùng trồng quy mô lớn, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, nguồn gốc và mã số vùng trồng. Đặc biệt, cần xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tận dụng thế mạnh của khu vực kinh tế tập thể và HTX. Hội nghị hôm nay là cơ hội quý báu để các HTX, doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại gặp gỡ, trao đổi và thúc đẩy hợp tác.
Trong khuôn khổ hội nghị, các hoạt động, như: Triển lãm sản phẩm dược liệu của các HTX dược liệu trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nổi bật, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về chất lượng. Các phiên báo cáo tham luận và tọa đàm chuyên đề được các chuyên gia trong ngành dược liệu thảo luận về thực trạng ngành dược liệu Việt Nam, công tác bảo tồn và khai thác dược liệu, cùng với các giải pháp phát triển bền vững ngành dược liệu trong thời gian tới. Chương trình Kết nối giao thương tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà thu mua nguyên liệu gặp gỡ, ký kết hợp tác và mở rộng các kênh phân phối trong nước và quốc tế.
Ngành dược liệu Việt Nam có tiềm năng lớn nhờ vào sự phong phú của nguồn dược liệu tự nhiên và sự đa dạng về khí hậu, thổ nhưỡng. Chính phủ đã đưa ra các quyết định quan trọng, như Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm quy hoạch và phát triển mạnh mẽ ngành dược liệu với mục tiêu xây dựng 8 vùng trồng nguyên liệu dược liệu trên cả nước. Các hợp tác xã và tổ hợp tác đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng nguyên liệu, bảo tồn và chế biến dược liệu, cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dược phẩm.
Một điểm nhấn đặc biệt của hội nghị năm nay là sự chú trọng đến tài nguyên dược liệu biển – một lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm lớn trong nghiên cứu và ứng dụng. Các loài thực vật và động vật biển như rong biển, tảo biển, sao biển và hải sâm chứa những hợp chất sinh học quý giá, có tác dụng chữa bệnh và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong điều trị các bệnh mãn tính như ung thư và các vấn đề về tim mạch. Dược liệu biển không chỉ giàu tiềm năng mà còn có thể phát triển bền vững mà không làm tổn hại đến hệ sinh thái biển. Việc phát triển và bảo tồn dược liệu biển sẽ đóng góp quan trọng vào việc xây dựng chuỗi giá trị bền vững trong ngành dược liệu của Việt Nam, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu và hợp tác quốc tế trong tương lai.
Việt Nam sở hữu một nguồn tài nguyên dược liệu phong phú nhờ vào sự đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng. Chính phủ Việt Nam đã và đang quy hoạch phát triển ngành dược liệu mạnh mẽ, với mục tiêu xây dựng 8 vùng trồng nguyên liệu dược liệu trên cả nước. Các hợp tác xã và tổ hợp tác đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng nguyên liệu, bảo tồn và chế biến dược liệu, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dược phẩm.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng đóng góp vào việc phát triển ngành dược liệu bền vững. Các giải pháp đầu tư xây dựng vùng trồng dược liệu quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, sẽ giúp ngành dược liệu Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đưa sản phẩm ra thế giới.
Hội nghị "Kết nối Giao thương, Trưng bày và Giới thiệu Sản phẩm Dược liệu 2024" là cơ hội quan trọng để các hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức trong ngành dược liệu Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương và phát triển sản phẩm. Sự kiện này không chỉ giúp quảng bá dược liệu Việt Nam mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành dược liệu trong nước, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm dược liệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Mỹ Linh