Xã hội
Khi Hội Cựu chiến binh Sơn La vào cuộc tham gia hỗ trợ nhà ở cho người có công
12:40 PM 28/06/2019
(LĐXH) Tính đến giữa tháng 5/2019 đã có 5/12 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La hoàn thành 100% việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng bao gồm các huyện: Thuận Châu, Mộc Châu, Bắc Yên, Sông Mã, Vân Hồ. Số hộ đã xây mới, sửa chữa xong là 9.281/9.836 trường hợp (đạt 94,4%). Để đạt được kết quả trên, Hội Cựu chiến binh Sơn La đóng vai trò tích cực.
Nhìn vào những con số nêu trên, sẽ không thấy được những khó khăn khi mới triển khai thực hiện chính sách này. Ban đầu, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã được thành lập để triển khai thực hiện Quyết định 22. Ở tỉnh, Sở Xây dựng được giao làm cơ quan thường trực. Cách chỉ đạo theo kiểu cơ sở cứ lập danh sách gửi lên nhưng thiếu kiểm tra, cho nên con số đối tượng được hưởng thụ toàn tỉnh lên tới hơn 11.000 trường hợp. Trong khi đó, không ít đối tượng là người có công thật sự cần cải thiện nhà ở lại không được xem xét đưa vào danh sách, đã gây thắc mắc, khiếu nại. Trong bốn năm, việc xác định đúng đối tượng gặp nhiều khó khăn, không địa phương nào ở Sơn La triển khai được Quyết định 22 trên thực tế. Sơ kết giai đoạn I, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La như ngồi trên “đống lửa” vì một chính sách rất cần thiết lại chậm được thực hiện, mà nguyên nhân xác định là do phương thức tổ chức.
Đại diện Hội Cựu chiến binh tỉnh, Công ty Điện lực Sơn La,
Công ty Thủy điện Sơn La bàn giao nhà hỗ trợ cho hội viên
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Cầm Xuân Ế, nhớ lại: Khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt vấn đề, giao nhiệm vụ cho Hội Cựu chiến binh, lãnh đạo Đảng, Đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh đã họp, xoay quanh trả lời câu hỏi: “Trong chiến đấu, quân đội đã xả thân. Nay trong thời bình, xây dựng cuộc sống mới, góp phần tri ân người có công với cách mạng, người lính có làm được không?” Với tinh thần, trách nhiệm không ngại khó khăn, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã vào cuộc, tham mưu Tỉnh ủy ra Thông báo Kết luận số 1027-TB/TU ngày 25-1-2018 thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Hội Cựu chiến binh tỉnh như đã có “cái gậy” để triển khai công việc.
Trong quá trình thực hiện, Hội Cựu chiến binh tỉnh dựa vào tổ chức ở cơ sở để làm công tác tuyên truyền vận động, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch. Có lần ở thị trấn huyện Phù Yên, một đối tượng đã có nhà ba tầng, con cháu đều có nơi ăn, chốn ở ổn định, nhưng nằng nặc yêu cầu được hỗ trợ 40 triệu đồng vì cho rằng mình là người có công. Khi đoàn kiểm tra giải thích, đối tượng này bảo dùng số tiền đó để làm thêm cái bếp. Nhờ giải thích cặn kẽ, cần phải biết “nhường cơm, sẻ áo”, đối tượng nêu trên đã tự rút lui không khiếu kiện nữa. Trong khi đi kiểm tra cơ sở, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh đã đề nghị Ban chỉ đạo tỉnh biểu dương đồng chí Chủ tịch UBND thị trấn Mộc Châu (huyện Mộc Châu) Lê Thị Thủy khi gương mẫu đưa người thân ra khỏi danh sách do không đủ tiêu chuẩn. Việc làm của chị Thủy bị họ hàng chê trách, nhưng khi phân tích thấy sai với quy định của Đảng và Nhà nước cho nên đã đồng thuận.
Theo đồng chí Cầm Xuân Ế, vai trò của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở là quan trọng nhất, do sát dân, hiểu rõ từng đối tượng, đúng hay sai đều nằm ở đây. Sở dĩ việc xác định đối tượng ban đầu chưa đúng là do chưa nghiên cứu kỹ Quyết định 22. Không phải cứ đối tượng người có công là được hỗ trợ, mà chỉ những trường hợp khó khăn về nhà ở, nhà dột nát cần cải tạo. Thực tế khi Hội Cựu chiến binh các cấp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc kiểm tra, rà soát, trong số 11.000 đối tượng ban đầu đã giảm hơn 4.000 đối tượng không đúng, đồng thời bổ sung được hơn 900 trường hợp người có công thật sự cần hỗ trợ cải thiện nhà ở. Nếu không có vai trò và cách làm quyết liệt của Hội Cựu chiến binh tỉnh Sơn La thì với hơn 4.000 đối tượng chưa đúng chính sách, số tiền thất thoát có thể lên tới hàng chục tỷ đồng và điều đáng suy nghĩ là ý nghĩa nhân văn, chủ trương tốt đẹp của Đảng, Nhà nước ta mong muốn tri ân đối với người có công không bảo đảm mục đích.
Khánh Linh
Từ khóa: