Khởi nghiệp từ Quỹ quốc gia về việc làm
(LĐXH)-Hàng nghìn mô hình khởi nghiệp thành công đã trở thành những “điểm sáng” từ đồng vốn trong chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH, góp phần không nhỏ vào phát triển đời sống kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất là một trong những vấn đề nóng đang được đông đảo người dân, nhất là lực lượng thanh niên, quan tâm. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), nhờ đồng vốn tín dụng từ chương trình giải quyết việc làm, nhiều gia đình đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, tự tạo thêm nhiều việc làm mới, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống theo hướng bền vững.
“Khởi nghiệp” cho 3,5 triệu lao động
Trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới… Vốn chính sách đã giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động; hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài.Nhiều hộ nông dân "khởi nghiệp" từ nguồn vốn ưu đãi (Ảnh minh họa)
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25% cuối năm 2015. Tính đến ngày 30/9/2017, tổng nguồn vốn đạt 179.120 tỷ đồng, tăng 172.098 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn tính từ khi có Chỉ thị 40 đến nay đã tăng thêm 4.593 tỷ đồng (118% so với trước khi có Chỉ thị), đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 8.485 tỷ đồng.
Sự chuyển động nhanh và mạnh của vốn tín dụng chính sách đến từng nhu cầu thiết yếu của người nghèo và đối tượng chính sách đã và đang hiện hữu trong từng vùng quê Việt, giúp nhiều gia đình từ thiếu ăn đến có “của ăn của để” như hộ bà Phạm Thị Thọ ở xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình). Từ một hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở chỉ là dựng tre lá ở tạm, một mình nuôi 3 con ăn học, nhưng nhờ ý chí quyết tâm vượt khó và được tiếp cận kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, gia đình bà đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. “Khởi nghiệp” từ 30 triệu đồng vốn vay hộ nghèo để chăn nuôi cùng vốn chương trình học sinh - sinh viên cho 3 con học đại học, cho đến 50 triệu đồng vốn vay hộ mới thoát nghèo, đến nay gia đình bà Thọ đã có 3 con bò, hàng chục con lợn, hàng trăm con gà đẻ trứng cùng một cửa hàng kinh doanh chè khô và mua chè thành phẩm của các hộ gia đình trong xã về chế biến và đóng gói, bán tại nhà.
Bà Phạm Thị Thọ cho biết: “Nhờ có nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi mà các con tôi đã được học đại học và nay có công ăn việc làm ổn định. Hiện cháu lớn đang phụ giúp mẹ tiếp tục nuôi em ăn học và tích luỹ trả nợ cho ngân hàng, gia đình cũng có được nguồn vốn để sản xuất kinh doanh”.
Những đồng vốn chính sách không chỉ đem đến cho bà con điều kiện phát triển trồng trọt, chăn nuôi, mà còn trao cả tương lai tươi sáng cho con cái họ. Đến nay, doanh số cho vay chương trình tín dụng học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập đạt 59.318 tỷ đồng, với trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học. Chính sách tín dụng đối với đối tượng này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cả về kinh tế, chính trị và xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội, sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Theo Ngân hàng CSXH, nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước thuận lợi, tiết giảm chi phí, Ngân hàng đã xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức mạng lưới đến tất cả các tỉnh, huyện. Đặc biệt là việc xây dựng và duy trì hoạt động thường xuyên 10.974 Điểm giao dịch tại UBND các xã/phường. Đồng thời, phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và chính quyền các địa phương thành lập gần 190 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, ấp, bản, làng./.
Nguyễn Long
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48