Theo định hướng phát triển đến năm 2030 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là khu vực kinh tế động lực của Tiểu vùng Nam Tây Nguyên trên cơ sở liên kết vùng, nội vùng. Trong đó, tỉnh xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, toàn diện và hiện đại, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh, hữu cơ tầm quốc gia và quốc tế.
Hiện nghề trồng dâu, nuôi tằm lấy kén đã góp phần tạo việc làm cho 2.000 lao động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Những năm gần đây, hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp được ghi nhận ngày càng hiệu quả. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng có 2.267 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, 5 doanh nghiệp áp dụng cơ giới hóa và các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi bò, heo, gà, thủy sản, 1.950 doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản, khoảng 400 hợp tác xã nông nghiệp.
Trong thời điểm quý II/2024, mùa chăm sóc cà phê, sầu riêng và một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao khác đang vào vụ. Bên cạnh đó, nhu cầu thuê lao động của các hộ trồng cây lâu năm cũng tăng, các doanh nghiệp năm nay đã ổn định sản xuất hơn, không còn tình trạng thiếu đơn hàng như cùng kỳ năm trước, do vậy lao động quay trở lại tham gia vào hoạt động sản xuất tăng.
Ngành du lịch dịch vụ cũng được tỉnh chú trọng phát triển. Trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng ước đạt 6,8 triệu lượt khách, tăng 12,8% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ và sản xuất nông nghiệp đã góp phần cải tiến phương tiện sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tạo ra một khối lượng việc làm lớn, tăng thu nhập cho người lao động trong và ngoài tỉnh, tạo ra những sản phẩm tốt phục vụ cho nhu cầu và sức khỏe của người dân.
Về cơ cấu lao động theo 3 khu vực kinh tế tại thời điểm 30/6/2024, khu vực I (Nông, lâm nghiệp và thủy sản) và III (Dịch vụ) có tỷ trọng lao động chiếm chủ yếu trong tổng số lao động của cả nền kinh tế, trong đó khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản giải quyết việc làm nhiều nhất, chiếm 60,75%; khu vực Công nghiệp và Xây dựng chiếm 11,86% và khu vực Dịch vụ chiếm 27,39%.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế để thúc đẩy việc làm thì ngành Lao động – Thương binh và Xã hội với chức năng, vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lao động – việc làm đã đề ra nhiều giải pháp giải quyết việc làm như: đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách việc làm; thúc đẩy thị trường lao động phát triển; tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; phối hợp với các cơ sở dạy nghề mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu tuyển lao động của các công ty, giúp người lao động bổ sung kiến thức, phương pháp, kỹ năng nghề để có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm phù hợp.
Chẳng hạn như, gia đình chị K’Hiền ở xã Phú Sơn sau khi được cán bộ xã hướng dẫn và tham gia một số lớp tập huấn của huyện tổ chức đã thay đổi nhận thức và quyết tâm chuyển đổi cây trồng. Chị đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 4 sào cà phê sang trồng dâu, nuôi tằm lấy kén với thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng cây cà phê mà lại không cần nhiều vốn đầu tư ban đầu. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, việc bán kén cho thương lái đã giúp gia đình chị có được 1 khoản thu nhập khoảng 13 đến 15 triệu đồng/tháng. Đối với chị, nghề mới trồng dâu, nuôi tằm đã giúp chị có việc làm và thu nhập thật sự ổn định và yên tâm.
Theo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Lâm Hà, Phòng thường xuyên nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc chủ động rà soát số lượng lao động đã, đang và chưa qua đào tạo, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức mở các khóa dạy nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi học nghề. Xã Phú Sơn là một điển hình của huyện trong việc gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Xã đã giúp bà con địa phương có việc làm và thu nhập ngày càng ổn định hơn khi tích cực tuyên truyền, tổ chức dạy nghề, hướng dẫn cho bà con chuyển đổi sang nghề trồng dâu, nuôi tằm lấy kén.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có khoảng 9.800 ha trồng dâu tằm với sản lượng kén đạt 16.000 tấn/năm (chiếm khoảng 70% diện tích và hơn 80% sản lượng kén của cả nước), sản lượng sợi tơ các loại đạt trên 2.000 tấn/năm; giá trị sản phẩm thu được 350 - 400 triệu đồng/ha/năm. Nghề trồng dâu, nuôi tằm đã tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động.
Cùng với việc quan tâm giải quyết việc làm tại chỗ, Lâm Đồng còn khuyến khích người dân đi xuất khẩu lao động nhằm có việc làm với mức thu nhập cao. Các địa phương đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền, tư vấn xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm cho người lao động. Thông qua các kênh thông tin, người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn thị trường lao động với ngành nghề, trình độ phù hợp. Giai đoạn 2020-2023, tỉnh Lâm Đồng đã đưa 1.050 lao động đi làm việc ở nước ngoài tập trung vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông… Trong 6 tháng năm 2024, Lâm Đồng đã đưa 205 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hàng năm, tỉnh Lâm Đồng có từ 20 - 30 doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ các tỉnh, thành phố về phối hợp với tỉnh.
Lâm Đồng còn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kết nối người lao động và nhà tuyển dụng. Cụ thể, tỉnh đã thành lập sàn giao dịch việc làm tỉnh Lâm Đồng và xây dựng website “
vieclamlamdong.vn”. Với khả năng đáp ứng trên 10.000 lượt truy cập cùng lúc, hệ thống này đã trở thành cầu nối hữu hiệu, giúp người lao động dễ dàng tìm kiếm thông tin về việc làm và các nhà tuyển dụng có thể tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo thống kê, trong tháng 8/2024, với những giải pháp đồng bộ, Lâm Đồng đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 3.950 lượt lao động, trong đó, tạo việc làm mới cho 1.300 lao động. Lũy kế 8 tháng năm 2024 đã giải quyết việc làm cho 21.870 lượt lao động, tăng 2.770 lượt người so với cùng kỳ năm 2023, đạt 84.1% so với kế hoạch năm.
Để thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tổ chức cho vay vốn giải quyết việc làm; rà soát, tổng hợp nhu cầu việc làm của người lao động để tư vấn, định hướng đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động… Từ đó, có kế hoạch cung ứng lao động đảm bảo cả về số lượng và chất lượng lao động, nhất là với những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn./.
Nhật Minh