Ban lãnh đạo cùng đội ngũ cán bộ, người lao động tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa luôn xác định rõ để người nghiện từ bỏ được ma túy, quá trình cai nghiện đòi hỏi phối hợp đồng thời và đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau: Từ liệu pháp y tế đến các liệu pháp điều trị tổng hợp đối với người cai nghiện như: Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, học tập, tổ chức các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, văn hóa, thể thao... Các hoạt động quản lý, giáo dục nâng cao nhận thức đã làm chuyển đổi hành vi, phục hồi nhân cách của người nghiện ma túy, giúp cho họ từng bước rèn luyện, thay đổi sự lệch lạc trong nhận thức, quan điểm và dần hình thành ý thức trách nhiệm, tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sinh hoạt có nền nếp và lối sống lành mạnh, lương thiện để trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội. Trong quá trình cai nghiện, học viên được chia nhóm sinh hoạt, trao đổi, chia sẻ khi gặp chuyện buồn, khó khăn về tình cảm, tinh thần; về tâm lý và giao tiếp xã hội; về nghề nghiệp, việc làm ổn định cuộc sống; về sức khỏe do sự tàn phá của ma túy đối với cơ thể... từ đó, cán bộ, giáo viên nắm bắt được tâm tư của từng đối tượng để đưa ra những lời khuyên hữu ích, giúp học viên vượt qua khó khăn.
Đơn vị cũng áp dụng mô hình điều trị “Cộng đồng trị liệu” - là hoạt động cai nghiện ma túy bằng phương pháp dùng cộng đồng người nghiện tự giúp đỡ lẫn nhau với phương châm “Trợ giúp để người nghiện tự giúp đỡ chính bản thân”. Đây là liệu pháp điều trị, phục hồi dựa trên nguyên lý tự giúp đỡ lẫn nhau của chính bản thân những người nghiện ma túy trong một cộng đồng (tập thể) người cai nghiện. Áp dụng mô hình này sẽ tạo ra một môi trường điều trị, học tập, rèn luyện và sinh hoạt lành mạnh đối với những người nghiện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người tự xóa bỏ mặc cảm, tự ti của bản thân và hình thành niềm tin, nghị lực để làm lại cuộc đời.
Trong điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, Ban lãnh đạo cũng như các cán bộ, người lao động đã luôn động viên nhau để làm việc với tinh thần trách nhiệm và tình cảm dành cho học viên, tạo sự gắn bó thân tình để giúp học viên có hướng điều trị tốt nhất, sớm trở về với cuộc sống xã hội. Hiện cơ sở đang quản lý hơn 500 học viên. Đại đa số học viên từng sử dụng ma túy tổng hợp, khi mới vào điều trị cai nghiện thường có biểu hiện rối loạn hành vi, cảm xúc, tâm lý… Với những trường hợp này, để nâng cao hiệu quả điều trị, ngoài các giải pháp trợ giúp về y tế, họ cần được hỗ trợ về việc làm, tạo điều kiện để sinh hoạt văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao…
Để học viên có khả năng tái hòa nhập cộng đồng sau thời gian điều trị cai nghiện, Cơ sở cai nghiện ma túy số I thường xuyên trang bị cho học viên kỹ năng giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh, tất cả học viên được tham gia sinh hoạt văn hóa, tập thể dục, thể thao vào thời gian phù hợp trong ngày; tham gia công tác vệ sinh môi trường, luôn đảm bảo các phòng chức năng, phòng ở, phòng sinh hoạt chung sạch đẹp… Sau khi sức khỏe dần cải thiện, học viên sẽ tham gia lao động sản xuất, các học viên trẻ được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, học nghề may công nghiệp, cơ khí…
Đặc biệt, bên cạnh các hoạt động chuyên môn, chú trọng bảo đảm sức khỏe cho học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hoá đã nỗ lực bằng nhiều hình thức nhằm tạo môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Đơn vị đã tận dụng cơ sở vật chất hiện có để xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng theo quy trình khoa học, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, vừa không gây ô nhiễm môi trường. Trồng rau xanh và tổ chức chăn nuôi lợn, gia cầm, thuỷ cầm, nuôi cá gắn với giáo dục dạy nghề cho người cai nghiện ma túy; cơ bản đảm bảo cung cấp đủ rau ăn và một phần thực phẩm cho các bếp ăn tập thể của Cơ sở. Trồng mới và chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, thu gom và xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường toàn Cơ sở. Đến nay, khuôn viên cơ sở được phát quang rộng rãi, thoáng đãng, sạch, đẹp, một không gian tĩnh lặng, thư thái như tách biệt với thế giới ồn ào, náo nhiệt bên ngoài.
Ông Lê Đăng Thanh, giám đốc cơ sở cho rằng việc cai nghiện thành công là một hành trình đầy khó khăn và có rất nhiều thử thách nhưng việc giữ gìn để không bị tái nghiện còn gian nan hơn nữa. Suốt quá trình này, tìm được việc làm là một trong những yếu tố quan trọng có tác động đến hiệu quả phòng chống tái nghiện của người sau cai. Quan điểm xuyên suốt này cũng là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác cai nghiện. Riêng trong năm qua, cơ sở đã duy trì truyền nghề, tạo việc làm cho số người cai nghiện ma tuý tiếp nhận mới. Tổ chức cho 100% người cai nghiện ma tuý có việc làm và thu nhập cải thiện đời sống. May túi PP ước đạt 8 triệu sản phẩm. Sản xuất gạch đất sét nung đạt 4 triệu viên. Sản xuất gạch không nung và gạch block đạt 50 nghìn viên sản phẩm. Người cai nghiện ma tuý được truyền nghề nề, cơ khí, xây dựng sửa chữa cơ sở vật chất như: sửa chữa khu nhà cai cắt cơn, nhà B3; cải tạo khuôn viên nhà A2, khu D; sửa chữa cửa phòng ở khu nhà D1, D2, D3, cửa phòng làm việc Khu A và một số công việc phục vụ khác.
Trần Huyền
-
Nghệ An nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới
17-12-2024 14:10 45
-
Nhìn lại công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa bàn trọng điểm
04-12-2024 14:07 23
-
Tăng cường tuyên truyền nhận biết các hình thức mại dâm trá hình
02-12-2024 14:00 12
-
Thành phố Bắc Kạn: Quan tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
25-11-2024 10:21 54
-
Quảng Nam: Tích cực phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
29-11-2024 10:21 26
-
Hòa Bình: Nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống mua bán người
04-12-2024 10:21 05